Nghịch lý thừa - thiếu giáo viên
Thừa - thiếu giáo viên cục bộ là vấn đề không mới. Thực trạng này đã được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua.
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2022-2023 toàn ngành thừa 10.178 giáo viên (5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT). Trong khi đó lại thiếu 94.714 giáo viên (48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS và 11.133 giáo viên THPT)…
Trong bộ máy hành chính - sự nghiệp của nước ta, ngành GD&ĐT có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đông đảo nhất. Nếu cả nước có khoảng 2,8 triệu người là công chức, viên chức thì 1,2 triệu người thuộc ngành GD&ĐT (chiếm 52%). Trong số đó, 154.200 người thuộc diện cán bộ quản lý từ cấp Bộ đến địa phương. Tổng số tiền lương chi cho ngành GD&ĐT tạo chiếm hơn 70% trong toàn bộ tiền lương của khối sự nghiệp.
Thiếu giáo viên là tình trạng chung, phổ biến ở tất cả các địa phương, nhiều nhất là những thành phố lớn, các nơi phát triển nhiều khu công nghiệp, vùng đô thị, Tây Nguyên.
Từ năm 2018, TP. Hà Nội đã thiếu khoảng 10.000 giáo viên, nhưng vẫn không tuyển thêm do Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành uỷ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập”, đồng thời phải thực hiện giảm 10% biên chế.
Năm học 2022-2023, Hà Nội vẫn thiếu 9.800 giáo viên song bị trở ngại bởi tinh giản biên chế theo hướng tự chủ tài chính từng phần, tiến tới tự chủ toàn phần nên các trường gặp nhiều khó khăn. TP. Hồ Chí Minh năm học 2022 - 2023 tăng thêm 21.000 học sinh kéo theo là thiếu trường, lớp, giáo viên. Thành phố đang cần tuyển 5.200 giáo viên các cấp học, nhiều nhất là tiểu học (2.355 người).
Nguyên nhân của việc thừa giáo viên, theo Bộ GD&ĐT, là do việc bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương (đặc biệt là ở cấp huyện).
Nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố trong việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vị toàn tỉnh (do giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc quyền quản lý của từng quận/huyện/thị xã) cũng như chưa giải quyết tốt vấn đề sắp xếp, điều chuyển giáo viên dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, theo quy mô tăng dân số và di cư tự nhiên, hàng năm có thêm nửa triệu học sinh dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tại các thành phố lớn, khu công nghiệp và các tỉnh Tây Nguyên.
Việc huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông ra lớp tăng cao để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương chưa sát với thực tế hoặc chưa kịp thời...
Mặc dù các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Dồn dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên..., nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục, nhất là trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết bài toán thiếu giáo viên, lại vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Theo Quyết định về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, với nguồn nhân lực giáo viên như hiện tại thì số lượng biên chế được bổ sung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu còn thiếu theo định mức.
Thực tế cũng cho thấy, định mức giáo viên hiện nay là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đây cũng chính là nút thắt lớn cần tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi của học sinh, của giáo viên cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.
Vì vậy, cần giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, bởi nếu chỉ có một vài giải pháp sẽ rất khó giải quyết được. Ngoài ra, đây cũng không chỉ là việc của ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Với xu hướng tỷ lệ dân số ngày càng tăng, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng lớn, đòi hỏi về chất lượng giáo dục ngày càng cao, nhu cầu về giáo viên sẽ ngày càng nhiều hơn, sẽ cần ngay giải cấp bách để giải quyết sớm vấn đề thiếu giáo viên.
Về lâu dài, cần sớm ban hành chiến lược phát triển giáo dục mầm non, phổ thông; tập trung rà soát lại quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông trong cả nước để tính toán, sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng tinh gọn các đầu mối.
Đồng thời, tập trung rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp. Tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về tự chủ và xã hội hóa giáo dục.