Tết Nguyên đán 2015: Cảnh báo nguy cơ về cháy nổ
Đời sống - Ngày đăng : 07:57, 29/01/2015
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ, cảnh báo về những nguyên nhân gây cháy và có những khuyến cáo về phòng cháy trong dịp Tết Nguyên đán 2015…
Trong năm 2014, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra 1.426 tai nạn, sự cố liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ. Các tai nạn, sự cố đã gây tử vong 31 người và bị thương 34 người, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 45 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra cháy nhiều nhất là quận Tân Bình, đa số các vụ cháy là nhà ở của người dân, lên đến 654 vụ. Cảnh sát PCCC thành phố đã tiến hành kiểm tra hơn 74.500 trường hợp, phát hiện 29.700 cơ sở có nguy cơ chát nổ và lập biên bản cảnh cáo, đình chỉ nhiều cơ sở vi phạm.
Ông Lê Tấn Bửu cho biết: Qua điều tra cho thấy nguyên nhân gây cháy là do sự cố và vi phạm quy định trong sử dụng điện với 620 vụ, chiếm tỷ lệ gần 50%. Ông Bửu phân tích gây sự cố thường bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ những sơ suất trong việc sử dụng thiết bị điện. “Các hộ gia đình nên dùng những loại cầu dao tự động ngắt khi có rò rỉ. Nếu ai cũng có nhận thức và thay thế ngay các loại cầu dao cũ bằng cầu dao tự ngắt hiện đại như trên thì sẽ hạn chế đáng kể nguy cơ”. Ông Bửu nhấn mạnh và lưu ý các hộ dân khi đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ lỗi do câu mắc sai kỹ thuật. Nhiều người rất chủ quan, tự thuê những thợ điện không có chuyên môn dẫn đến việc câu mắc không đúng, dễ gây ra chạm chập do quá tải. “Việc lâu ngày không kiểm tra những nơi chạy dây, đấu nối ở các góc khuất trong nhà, một chút chủ quan thôi cũng thể gây ra chạm chập và có khi phải trả giá rất đắt”, ông Bửu chia sẻ. Vụ cháy 8 ngôi nhà vừa xảy ra trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3 làm một người chết cũng bắt nguồn từ nguyên nhân chập điện trong hộp biển quảng cáo.
Một trong những điều đáng lo ngại là nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân ngày càng cao nhưng hệ thống dây dẫn điện ở các khu dân cư ngày càng xuống cấp. Các cơ quan chức năng không chú trọng kiểm tra, thay thế dẫn đến nhiều vụ cháy do vi phạm các quy định trong sử dụng điện. Ngoài ra, nhiều trường hợp đốt cỏ, rác đã diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn cho một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh
Nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm tại TP. Hồ Chí Minh xảy ra ở những căn nhà ống xây dựng không có lối thoát hiểm, không có thiết bị phá tường để thoát ra ngoài. Trong vụ cháy nhà khiến 7 người chết tại nhà số 416, đường Nguyễn Trãi phường 8, quận 5, nếu các nạn nhân có vật để đập phá tường phía sau nhà thoát ra thì sẽ tránh được tử vong. Ông Bửu khuyến cáo khi xây dựng nhà, cần thiết kế (hoặc cải tạo) để tạo ra lối thoát hiểm phòng ngừa khi có hỏa hoạn.
Ông Lê Tấn Bửu hết sức lo ngại về việc nhiều hộ dân sử dụng chính nơi ăn ở, sinh hoạt làm địa điểm kinh doanh. Hiện trạng này rất đáng lo ngại ở những căn nhà mặt tiền đường tại TP. Hồ Chí Minh. Các loại hàng hóa dễ cháy khi bốc lửa sẽ rất khó kiểm soát và thực tế nhiều vụ cháy gây chết người thương tâm thời gian qua đều xảy ra ở những căn nhà ở làm địa điểm kinh doanh. Ông Bửu cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp cho người dân, trang bị kiến thức và hướng dẫn cho bà con trong việc PCCC”. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng là thời điểm khô nóng tại miền Nam, khối lượng mua bán hàng hóa, xăng dầu lớn, kéo theo nhiều nguy cơ cao về cháy nổ. Ông Lê Tấn Bửu khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không dự trữ nhiều hàng hóa, thận trong kiểm tra trước khi rời khỏi nhà trong dịp Tết, ngăn ngừa những nguy cơ có thể gây ra hỏa hoạn để bảo vệ gia đình và cộng đồng. Trong suốt dịp Tết, lực lượng PCCC luôn ứng trực 100% nhằm hỗ trợ kịp thời người dân khi có hỏa hoạn.