Phát hiện ký sinh trùng dài 6m trong ruột
Bệnh nhân nữ 25 tuổi, thường xuyên mệt mỏi, bứt rứt, rối loạn tiêu hóa, đi khám phát hiện sán dây dài 6m ký sinh trong cơ thể.
N.T.H. (25 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) thăm khám sau khi phát hiện "vật thể lạ" màu trắng, hình xơ mít chuyển động ngọ nguậy trong quần. Nghi ngờ mình nhiễm sán nên cô nhập viện.
PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của H., các bác sĩ thấy đốt sán và trứng sán dây bò. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc, sau một ngày xổ ra con sán dài 6m.
"Nữ bệnh nhân chia sẻ thường xuyên ăn phở bò tái và lẩu bò, đây có thể là nguồn lây sán dây", bác sĩ Dũng nói.
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng, có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò. Bệnh nhân bị nhiễm sán dây bò thi thoảng sẽ thấy đốt sán bò ra ngoài qua đường hậu môn hoặc theo phân ra ngoài.
PGS Dũng nêu rõ, những biểu hiện mà nữ bệnh nhân N.T.H. kể trên gặp phải là biểu hiện điển hình của nhiễm sán dây bò. Thông thường đốt sán dây bò khi ra ngoài môi trường thì vẫn có thể còn chuyển động nhưng đốt sán dây lợn thường chỉ dính theo phân ra ngoài và không chuyển động như sán dây bò.
Một trường hợp khác cũng đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ là bệnh nhân nam, T.M.T. (40 tuổi, Hải Phòng), với triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn kèm theo cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn. Anh này cho biết có thói quen hay ăn thịt tái, vẫn còn màu hồng bên trong.
Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân các xét nghiệm và hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm đốt sán. Kết quả, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán dây trưởng thành.
PGS.TS Đỗ Trung Dũng cảnh báo, nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm sán là do không bỏ được thói quen thích ăn thực phẩm tái, sống, chưa được nấu chín. Ngay cả khi ăn lẩu bò hoặc phở bò, nước lẩu không đủ sôi, thịt chưa chín kỹ cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này.