Xóa bỏ sim di động 11 số: "Tốn kém và bất tiện nhưng vẫn phải làm"

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 12/01/2015

Quy hoạch trong đánh số cũng giống như quy hoạch đô thị, mang tính chiến lược, lâu dài và cần thiết.

Mới đây, Bộ Thông tin – Truyền thông vừa ban hành Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông, theo đó 59/63 tỉnh thành trên cả nước sẽ có mã vùng điện thoại cố định mới và tất cả các thuê bao di động sẽ chỉ có 10 số, thay vì cả 10 số và 11 số như hiện nay. Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, nhưng việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ diễn ra trong 2 năm và thực hiện theo từng khu vực.

Sau khi Thông tư được ban hành, đã có nhiều ý kiến của người dân cho rằng, việc đổi số điện thoại trong thời điểm này sẽ gây khó khăn cho người sử dụng, tốn kém cho doanh nghiệp,… PV Báo điện tử Công lý đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Chiến Trinh, Trưởng bộ môn Mạng Viễn thông, Khoa Viễn thông 1, Học viện Bưu chính Viễn thông để trao đổi rõ hơn về vấn đề này:

PV: Trong nỗ lực tìm ra bài toán tối ưu để giải quyết vấn đề “cháy kho số” của  ngành viễn thông Việt Nam, mới đây Bộ TT&TT đã quyết định quy hoạch lại mã mạng di động trên nền mã cố định trước đây, theo đó, tất cả các thuê bao di động của các nhà mạng sẽ được thống nhất lại chỉ còn 10 số, mặc dù trước đó vài năm Bộ từng đưa ra giải pháp tăng thêm mã mạng di động, đưa thuê bao di động 11 số vào hoạt động. Ông nghĩ sao trước sự thay đổi đột ngột này?

TS Nguyễn Chiến Trinh: Thực tế các giải pháp tăng thêm các đầu số mới (11 số) cho thuê bao di động trong các năm qua là các giải pháp mang tính tạm thời, nhằm đáp ứng ngay các nhu cầu phát triển trước mắt khi không đủ số cấp cho thuê bao di động của các nhà mạng di động phát triển quá nhanh.

Hơn thế nữa, việc cháy kho số trong thời gian qua cũng một phần do việc kiểm soát và quản lý đầu số thuê bao chưa được chặt chẽ, các số di động “rác” quá nhiều, rất nhiều số thuê bao đã được cấp không được sử dụng hiệu quả (sử dụng rất ít, trong thời gian ngắn, hoặc thậm chí không sử dụng).

Đó cũng là hệ quả của việc cạnh tranh giữa các nhà mạng, cố gắng chiếm thị trường, phát triển lấy số lượng, phung phí nguồn tài nguyên số được cấp.Việc cháy kho số thuê bao di động và các giải pháp cấp số thời gian qua cũng cho thấy công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu phát triển thuê bao và dịch vụ viễn thông chưa được hoàn thiện, chậm và không theo kịp với đà phát triển của mạng và dịch vụ viễn thông.

Và như một kết quả tất yếu có rất nhiều bất cập trong đánh số và quản lý thuê bao hiện nay, một trong những nguyên nhân cần có giải pháp quy hoạch lại kho số lần này cũng chính là để khắc phục lại các giải pháp tạm thời ban hành trước đó của Bộ TT&TT.

Ngoài ra, quy hoạch trong đánh số cũng giống như quy hoạch đô thị, mang tính chiến lược, lâu dài, và cần thiết. Rõ ràng chúng ta mong muốn sống trong đô thị được quy hoạch sạch sẽ, gọn gàng, tiện lợi, cả dãy phố các nhà đều nhau, số nhà rõ ràng sẽ thích hơn dãy phố tự xây, thò ra thụt vào, số nhà lộn xộn.

Tuy nhiên, để thực hiện quy hoạch phải xem xét toàn diện trên nhiều khía cạnh: lộ trình, kinh tế, phương thức thực hiện,… Vấn đề của chúng ta là xây dựng rất lâu trên nền quy hoạch cũ trước kia, và chúng ta phải sửa lại, điều chỉnh lại, do đó gây tốn kém và nhiều bất tiện hơn. 

PV: Việc thay đổi đầu mã mạng di động và cố định này liệu có giúp cho công tác quản lý kho số của ngành viễn thông Việt Nam thực sự được giải quyết triệt để trong thời gian dài không, thưa ông?

TS Nguyễn Chiến Trinh: Việc quy hoạch lại kho số phải đạt được các mục tiêu cơ bản:

Một là: Sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số. Điều này rất quan trọng, trong viễn thông, kho số cũng là một nguồn tài nguyên của đất nước, và do vậy cũng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhất, đem lại nhiều lợi ích nhất;

Hai là: Đáp ứng được các nhu cầu phát triển của dịch vụ viễn thông, không chỉ với các thuê bao điện thoại di động hay cố định hiện nay, mà còn phải tính trước các dịch vụ, các loại hình thuê bao trong tương lai, nhất là trong bối cảnh các dịch vụ và mạng đang dần hợp nhất và hội tụ;

Ba là: Quản lý và cấp phát các đầu số hợp lý, tiện dụng, mang lại lợi ích chung cho người sử dụng, khách hàng doanh nghiệp, các nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, … một cách lâu dài.

Do đó, đương nhiên việc quy hoạch lại kho số và đổi đầu số thuê bao di động, cố định lần này sẽ giúp cho công tác quản lý thực hiện tốt hơn, bài bản hơn, chặt chẽ và hợp lý hơn, sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên vấn đề kho số sẽ giải quyết được lâu dài đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược phát triển viễn thông, độ chính xác khi dự báo sự phát triển của mạng và dịch vụ trong tương lai,… khi đưa ra quy hoạch này.

Đây cũng chính là bài học từ quá khứ, khi việc quy hoạch chưa theo kịp được nhu cầu thị trường, dẫn đến sự mất đồng bộ trong cấp phát số và đánh số, phải thay đổi nhiều lần, gây tốn kém và lãng phí.

Xóa bỏ sim di động 11 số:

Tiến sĩ Nguyễn Chiến Trinh

PV: Theo quy hoạch này, các doanh nghiệp sử dụng số cố định sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền để thay đổi thông tin trên đăng ký kinh doanh, hóa đơn, danh thiếp, bao bì giấy nhãn, quảng cáo, bảng hiệu… Người dùng thuê bao di động cũng đau đầu không kém bởi số điện thoại của họ ngoài liên lạc còn liên quan đến hàng loạt dịch vụ liên quan ở cả phạm vi trong nước và quốc tế. Như vậy, có phải quy hoạch này mới chỉ chú trọng việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý, chứ chưa tính đến quyền lợi và sự ảnh hưởng đối với người dân, doanh nghiệp sử dụng?

TS Nguyễn Chiến Trinh: Đương nhiên mỗi lần thay đổi số thuê bao sẽ dẫn đến tốn kém cho các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, cùng các vấn đề kỹ thuật cần phải giải quyết đi kèm. Các doanh nghiệp, người dùng cũng sẽ gặp phải chịu các chi phí và rất nhiều bất tiện trong kinh doanh, sử dụng. Hiện nay dịch vụ viễn thông đang xâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực khác nhau của xã hội, và càng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Do vậy, việc quy hoạch và thực hiện sẽ phải làm càng sớm càng tốt, và phải giải quyết triệt để, lâu dài.

Mục tiêu của quy hoạch lần này không chỉ tháo gỡ các các vướng mắc trong công tác quản lý, mà còn xác định các mục tiêu lâu dài trong chiến lược phát triển chung của ngành viễn thông, như tối ưu sử dụng tài nguyên số, đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lai,… có ý nghĩa chiến lược và đem lại lợi ích chung lâu dài. Do vậy, theo tôi mặc dù công tác thực hiện đổi số có thể gây ra một số chi phí và bất tiện trước mắt, nhưng vẫn cần thiết và cần phải làm.

PV: Theo ông, việc đưa thuê bao di động 11 số về 10 số có giúp hạn chế tỉ lệ thuê bao dời mạng, SIM rác, tin nhắc rác không? 

TS Nguyễn Chiến Trinh: Thực tế số thuê bao di động 10 số hay 11 số hoàn toàn không ảnh hưởng đến các vấn đề như thuê bao dời mạng, SIM rác, tin nhắn rác.

Vấn đề thuê bao rời mạng thường liên quan đến chính sách dịch vụ, cạnh tranh, ưu đãi giữa các nhà mạng. Còn các vấn đề liên quan đến SIM rác, tin nhắn rác thì cần giải quyết bằng chính sách quản lý, các chế tài, có biện pháp kiểm soát, với sự hỗ trợ của kỹ thuật từ các nhà mạng. Vấn đề số thuê bao 10 số hay 11 số chỉ là tâm lý người dùng lâu nay đang quen và thích sử dụng các đầu số 10 số hơn.

Mặt khác, các đầu số 10 số được cấp phát đầu tiên, khi đó giá thành thuê bao di động còn khá cao, người dùng phần lớn là các đối tượng có thu nhập ổn định, sử dụng cho các mục tiêu công việc, kinh doanh, … và các thuê bao trả sau chiếm tỉ lệ lớn. Các đầu số 11 số ra sau trùng vào thời điểm các nhà mạng di động tung ra thị trường rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mãi, nhằm tăng số lượng thuê bao, cạnh tranh chiếm thị trường, và do vậy cũng phát sinh hiện tượng SIM rác khá nhiều, và do vậy thuê bao 11 số mang tiếng oan là “SIM rác, rẻ tiền”.

Khi đưa toàn bộ các thuê bao 11 số về 10 số, cũng sẽ không giải quyết được cốt lõi vấn đề và nguyên nhân gây ra SIM rác, hiện tượng này cũng sẽ không chấp dứt, mà chỉ có thể giải quyết bằng các chế tài và chính sách quản lý, kiểm soát.

PV: Điều người dân quan tâm nhất bây giờ là chờ đợi Bộ đưa ra cách thức chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số. Ông nghĩ sao về những trường hợp người dùng đã bỏ ra số tiền lớn đế mua được số thuê bao đẹp theo đúng ý của mình, nay bỗng dưng phải dùng một số khác?

TS Nguyễn Chiến Trinh: Theo tôi khi chuyển đổi thuê bao từ 11 số sang 10 số sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần có sự hỗ trợ của các nhà mạng, người được cấp số và trực tiếp cung cấp số thuê bao và dịch vụ (bán), trong đó thay đổi các số SIM đẹp, mất nhiều tiền để mua chỉ là một trường hợp với số lượng thuê bao nhỏ.

Chúng ta cũng nên biết các số thuê bao do các nhà mạng cung cấp, không phải Bộ TT&TT, và trên cơ sở mua-bán. Có lẽ khi chuyển đổi các trường hợp như vậy các nhà mạng (người bán số) phải có chính sách mềm dẻo cho khách hàng của mình, ví dụ, có thể đổi sang số khác đẹp tương đương, hoặc trả lại tiền số đẹp nếu người bán (nhà mạng) và người mua có thể thỏa thuận được,…

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)