Tiến sĩ Vũ Thế Long: “Rượu cũng là văn hóa, không thể cấm”

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 10/01/2015

Rượu cũng là văn hóa, không thể cấm. Vấn đề là chúng ta sử dụng rượu ra sao, đừng quá lạm dụng mà thôi”, Tiến sĩ Vũ Thế Long – Tổng Thư ký Hội ẩm thực Hà Nội khẳng định.

Văn hóa rượu và uống rượu

Liên quan đến ý kiến đề xuất nên cấm kinh doanh và sử dụng rượu bia các ngày lễ tết, Tiến sĩ Vũ Thế Long (Thư ký Hội ẩm thực Hà Nội) cho rằng không thể cấm rượu và uống rượu, bởi đây cũng là nét văn hóa.

Tiến sĩ Vũ Thế Long cho biết: “Rượu và uống rượu cũng là văn hóa của người Việt đã có từ rất lâu đời. Có hai loại rượu, một loại người ta không chưng cất như rượu cần, rượu nếp, loại rượu thứ hai thì chưng cất, tức là nấu rượu. Lịch sử về rượu có từ mấy nghìn năm nay rồi. Ở Việt Nam, trong khảo cổ người ta cũng đã tìm thấy những công cụ có thể là dùng để chưng cất rượu.

Nói đến rượu là nói đến văn hóa. Các cụ ngày xưa đã biết uống rượu và duy trì thói quen này. Rộng hơn, 54 dân tộc Việt Nam thì gần như dân tộc nào cũng có nấu rượu và những loại rượu đặc thù của mình, miền núi có kiểu rượu miền núi, miền xuôi có kiểu rượu miền xuôi.

Rượu là một thứ sản phẩm liên quan nhiều đến nghi lễ, cúng bái và sinh hoạt đời thường, tất cả các dân tộc trên thế giới đều uống rượu nên đó là chuyện bình thường thôi”.

Tiến sĩ Vũ Thế Long cho rằng quy định cấm uống rượu và nấu rượu ở Việt Nam không phải bây giờ mới có.

“Ở Việt Nam cũng có những thời kì cấm không cho người dân nấu rượu thậm chí uống rượu. Thời thực dân Pháp, chúng cấm người dân nấu rượu nhưng lại đầu độc người dân Việt Nam bằng rượu do Pháp sản xuất.

Sau này, chính chúng ta trong thời bao cấp, nấu rượu cũng bị cấm và coi đây là vi phạm pháp luật nặng nề vì liên quan đến vấn đề lương thực, thóc gạo bởi rượu ta nấu ở đây là rượu gạo, nên mới có từ “cuốc lủi”.

Có những năm bên ta cũng học tập nước ngoài, ví dụ bên Nga cấm công chức không được uống rượu thì bên ta cũng cấm công chức không được uống rượu và nhiều cuộc liên hoan mà không có rượu gì hết. Thế rồi đến khi mở cửa thì lại nấu tràn lan”, TS Vũ Thế Long nói.

Xem Tiến sĩ Vũ Thế Long nói về văn hóa rượu và uống rượu của người Việt

Ông cũng cho rằng nấu rượu là chuyện bình thường, miễn sao phải đúng quy trình và hợp vệ sinh.

“Rượu hiện nay có mấy loại như nấu bằng gạo nếp, nấu bằng gạo tẻ, rồi nấu bằng sắn, ngô. Những nguyên liệu ấy đều chế biến thành rượu được.

Vấn đề là, nếu mà nấu rượu đúng quy chuẩn, nồng độ, đúng cách, uống vừa phải thì uống rượu rất lành mạnh, không có gì là xấu, là sai cả”, TS. Vũ Thế Long khẳng định.

“Kiểm soát là để giữ gìn văn hóa”

Nhận xét về thực trạng sản xuất rượu trong nước hiện nay, TS Vũ Thế Long cho rằng: “Bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận, nhiều người nấu rượu còn mua những thứ thuốc linh tinh bên Trung Quốc rồi pha vào thành thứ rượu rất nguy hiểm đến sức khỏe, hoặc họ chứa vào các thùng nhựa mà những chất nhựa này rất độc cho sức khỏe con người.

Cho nên theo tôi, không thể cấm rượu được mà rượu là một thứ rất cần thiết trong cuộc sống và ở khía cạnh kinh tế, nó còn giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo, bởi vì người ta nấu rượu không chỉ là vì rượu mà còn là cách nâng cao giá trị gia tăng cho lương thực, bã rượu còn là thực phẩm, là nguồn thức ăn dùng cho chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi lợn. Nhiều gia đình nông dân cũng chỉ lấy lợi từ bã rượu thôi.

Vấn đề bây giờ là làm sao chúng ta gìn giữ được tinh hoa rượu Việt nhưng cũng phải ngăn ngừa được sự sản xuất rượu bừa bãi, không có kiểm soát. Những vấn đề này muốn làm được phải có sự tham gia của cộng đồng, chỉ có cộng đồng mới quyết định được. Ví dụ như anh mà bán rượu trong làng mà bán rượu ẩu, rượu bẩn, mất vệ sinh thì không ai mua của anh cả”.

Tiến sĩ Vũ Thế Long: “Rượu cũng là văn hóa, không thể cấm”

Mỗi dân tộc đều có văn hóa uống rượu của riêng mình. (Ảnh: VOV4).

TS Vũ Thế Long cũng cho rằng, người tiêu dùng cần phải “thông minh” và “khôn ngoan” trong khi mua và sử dụng rượu, bằng cách nâng cao sự hiểu biết và kiến thức của mình: “Người tiêu dùng cũng phải biết, phải khôn ngoan để mà nhận biết những loại rượu giả, rượu kém chất lượng để không mua, không uống vào.

Ở Việt Nam vẫn thỉnh thoảng có những vụ ngộ độc rượu làm chết người, đây là điều cần phải cảnh báo và có những biện pháp để phòng chống. Ngoài ra, cũng không nên lạm dụng những thứ rượu gọi là rượu thuốc vì quan niệm cái gì cũng là bổ, làm gì có.

Thuốc muốn uống thì phải có liều, mình uống thuốc còn phải theo đơn của bác sĩ, uống một ngày một viên hay mấy viên, đằng này cứ cho rằng uống rượu thuốc là bổ nên cứ uống tì tì vào là rất nguy hiểm”.

“Văn hóa uống rượu trong ngày lễ tết là cần nhưng cũng đừng quá lạm dụng, phải hết sức cảnh giác. Cá nhân tôi là người rất thích uống rượu nhưng tôi là người rất cẩn thận.

Kể cả rượu ngoại cũng phải hết sức cảnh giác vì bây giờ là rượu ngoại nhưng mà là rượu giả, còn nguy hiểm hơn cả loại rượu dân gian nấu mà là rượu sạch”, TS. Vũ Thế Long cho biết thêm.

Hoàng Sơn