Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 11/10/2014

Không xây nhà bằng gạch đá thông thường, "lão nông chân đất" lại chọn cho mình thú chơi “ngông” quái dị với một ngôi nhà toàn bát đĩa gốm sứ cổ có một không hai ở Vĩnh Phúc.

Được một người bạn đồng nghiệp giới thiệu, chúng tôi hăm hở tìm về nhà lão nông Nguyễn Văn Trường, sinh năm 1963 ở thôn Sơn Kiệu, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ở vùng đất này, ông Trường nổi tiếng đến nỗi từ người bán hàng đến đứa trẻ chăn trâu ai cũng biết. Một cậu nhóc hào hứng đưa phóng viên về tận nhà lão “gàn” thích “chơi ngông” này.

Diện kiến "lão gàn"

Quả không khác những gì cô bạn đồng nghiệp của tôi giới thiệu, căn nhà gốm sứ của "lão gàn" Nguyễn Văn Trường nằm ở cuối con ngõ quanh co, nổi bật hơn tất cả những ngôi nhà xung quanh với cơ man nào là bát đĩa, những hình vẽ “rồng bay phượng múa” đắp ở cửa ra vào. May sao, "lão gàn" có ở nhà và vừa thấy sự hiện diện của những người khách lạ, ông hoan hỉ đón chào.

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

"Lão gàn" Nguyễn Văn Trường cùng ngôi nhà gốm sứ do mình xây dựng. Ảnh: Duy Ngợi

Năm nay mới sang ngũ thập nhưng trông "lão gàn" Nguyễn Văn Trường như già hơn tuổi. Nước gia sạm đen, tóc điểm bạc với chòm râu rất nghệ sỹ. Bằng chất giọng khề khà men rượu, lão gàn bắt đầu bật mí thú “chơi ngông” chẳng giống ai của mình.

Sinh thời, hai cụ thân sinh của lão chỉ làm nghề vàng bạc và mù tịt về đồ cổ. Lão chỉ học hết lớp 4, tròn 19 tuổi lão hăm hở đi bộ đội. Phục viên về quê, lão làm nghề bốc vác kiếm kế sinh nhai. Công việc nặng nhọc, vất vả mà cuộc sống vẫn cơ cực nên khi được bạn bè chỉ nước, lão quay sang sơn bàn ghế.

Khoảng hai năm sau, trong một lần đi sơn bàn ghế cho một gia đình ở xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường), lão thấy gia chủ có nhiều bát đĩa cũ trong tủ nên tò mò hỏi. Vị chủ nhà thấy lão có vẻ thích thú nên đã để lại cho lão với giá “vừa bán vừa cho”. Và cơ duyên sưu tầm đồ cổ đến với lão Trường từ đó.

Kinh tế khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng với chiếc xe đạp cà tàng, lão rong ruổi, sục sạo khắp tỉnh Vĩnh Phúc để tìm đồ cổ. Nhưng mảnh đất Vĩnh Phúc quá nhỏ bé nên chẳng mấy chốc đồ cổ trong dân gian cũng vơi cạn. Trên chiếc xe đạp cọc cạch ấy, lão lại hăm hở đến những miền xa. Lão khoe từ Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… thậm chí những vùng đất xa xôi như Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum đều in vết bánh xe, dấu chân của lão.

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

"Lão gàn" Nguyễn Văn Trường háo hức trò chuyện với khách về niềm đam mê gốm sứ của mình. Ảnh: Duy Ngợi

Rít một hơi thuốc lào, lão nhớ lại những ngày đầu đi tìm cổ vật. Đó là những ngày cách đây đã 20 năm. Lúc ấy, lão nghèo nhưng niềm đam mê tìm đồ cổ không bao giờ tắt. Tuy chỉ có vài đồng bạc dắt lưng, lão vẫn miệt mài trên hành trình của mình. Có lần, xe hỏng dọc đường, bụng đói cồn cào nhưng xung quanh toàn người xa lạ, lão đành nhịn đói cả ngày để tiếp tục tìm cổ vật. Mỗi khi tìm được chiếc bát, đĩa cổ hay bình chum vại nào, lão lại cẩn thận gói ghém mang về. Dù vậy, cũng không ít lần đường lởm chởm đá sỏi, về đến nhà những cổ vật của lão chỉ còn là một đống vỡ vụn. Không nản chí, lão lại cơm đùm lá chuối để lên đường.

Năm 1989, lão xây dựng gia đình. Từ đây, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” níu chân nên lão không còn được “vùng vẫy” săn tìm cổ vật như trước. Để có thể trang trải cuộc sống và tiếp tục niềm đam mê, mỗi khi kiếm được những cổ vật đắt tiền, lão đành bán đi dù trong lòng tiếc nuối.

“Tìm được một món đồ cổ đâu phải dễ dàng nhưng cuộc sống túng thiếu, nếu không bán bớt đi thì lấy gì để đong gạo nuôi con, lại còn xăng xe đi lại nữa”, lão phân trần. Rồi lão chỉ ra hàng cối gần chục chiếc dọc lối đi, cho hay: “Ngày trước, tôi có tới 200 chiếc cối đá thế này. Hồi đó, người ta còn phong tôi là vua cối cơ đấy, nhưng đành phải bán đi vì những chiếc cối to nặng, cồng kềnh không có chỗ để”.

Ngôi nhà độc đáo

Khi ấy, lão đang ở cùng vợ con trong căn nhà cấp bốn ba gian. Lão định làm lại nhà nhưng điều kiện gia đình khó có thể xây dựng được căn nhà kiên cố. Thấy đống bát, đĩa cổ sưu tầm bấy lâu nằm lăn lóc, lão chợt nảy ra ý tưởng mà đến giờ vợ lão vẫn cho là điên rồ, ấy là xây nhà bằng bát đĩa cổ. Nói đúng hơn là gắn những chiếc bát, đĩa cổ vào căn nhà cấp bốn ba gian đã có sẵn của lão. Lão chọn cách này thứ nhất là giúp tường nhà chắc hơn, ngôi nhà nhiều màu sắc hơn. Thêm nữa, lão xem đây là một cách làm hay để bảo tồn những cổ vật, những giá trị văn hóa của dân tộc.

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Bên ngoài ngôi nhà gốm sứ của lão gàn Nguyễn Văn Trường. Ảnh: Duy Ngợi

Mặc vợ và mọi người can ngăn, khuyên nhủ, lão vẫn bắt tay vào làm. Lão còn nhớ công việc đầu tiên là gắn 3 chiếc bát sứ cổ lên tường trước cửa gian buồng. Ấy là một ngày cuối năm 1996, lúc gắn bát đĩa vào tường, lão trộn vữa theo công thức 3 xi + 1 cát. Khi vữa khô, lão còn kỳ công rưới nước ngày 3 lần, việc làm này theo lão là để chống xi bị giòn. Nhờ vậy, khi vữa chết thật thì bát, đĩa được gắn chặt vào bức tường thành một khối, khó cạy ra khỏi tường, chỉ có thể lấy ra nguyên vẹn bằng cách dùng cưa bê tông cắt từng phần một.

Vừa gắn cổ vật vào tường, lão vừa lên đường tìm cổ vật để làm vật liệu hoàn thiện căn nhà. Cuộc sống khó khăn, nhiều lúc lão lại phải bán vội một vài món lấy tiền đổ xăng đi lại. Vợ lão, bà Hồ Thị Nga, đến giờ vẫn chưa hết ca thán: “Đời tôi khổ đến bao giờ? Chồng người lo kiếm tiền, chồng mình lo lấy tiền đắp vào tường”. Mỗi lúc như vậy, lão lại vỗ về, an ủi vợ: “Đây là di sản cội nguồn nên mình phải gìn giữ, mà tôi khùng, gàn dở vẫn thương yêu bà nó hết mực đấy thôi”.

Không chỉ bát đĩa bằng gốm sứ, những đồng tiền xu lão sưu tầm được rồi những con chó đá đều được lão dùng để trang trí cho ngôi nhà. Lão cho biết, phải dùng tới 230kg tiền xu mà lão sưu tầm từ các cửa hàng đồng nát với mức giá không hề rẻ. Riêng với bậc thềm trước cửa ra vào, lão thường ra bãi bồi ven sông nhặt những hòn đá cuội về gắn.

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Một góc bên trong ngôi nhà gốm sứ. Ảnh: Duy Ngợi

Sau khi đã gắn xong tường và trang trí cho ba gian nhà cấp bốn, lão còn thiết kế cho mình một căn phòng tiếp khách bằng gốm sứ rất bắt mắt với cánh cửa ra vào được uốn vòm khá cầu kỳ, tinh tế. “Khi làm cái nhà này, nếu tính kinh tế thì không ai có thể làm được vì trên tường nhà, một chiếc bát, đĩa bèo nhất cũng giá vài trăm. Người ta cứ bảo tôi khùng, tôi gàn dở nhưng tôi có cách bảo tồn những giá trị văn hóa riêng của mình”, lão bộc bạch.

Cần mẫn, kỳ công như vậy ngót nghét 20 năm trời, "lão gàn" Nguyễn Văn Trường gần như hoàn thiện được ngôi nhà gốm sứ ưng ý. Tuy vậy, lão cho biết phải mất thêm 5 – 7 năm nữa ngôi nhà mới có thể hoàn thành. Thăm quan căn nhà độc đáo, ai đến đây đều có thể tìm thấy được những chiếc bát, đĩa thời bao cấp đến những chiếc bát, đĩa cổ xưa dưới triều đại Lý,Trần. Đến bây giờ, chính lão cũng không nhớ rõ mình đã gắn bao nhiêu chiếc bát, đĩa cổ lên đây nhưng lão Trường khẳng định nếu ai đó muốn tìm hiểu về văn minh gốm sứ ở bất cứ triều đại nào, thời nào tất cả đều hiện hữu ở ngôi nhà của mình.

Bát đĩa sứ cổ trên tường nhà lão nhiều đến nỗi, một người sưu tầm cổ vật trong huyện về đây đã phải thốt lên: “Huyện Vĩnh Tường có 2 người làm như lão thì bát đĩa cổ trong dân có lẽ không còn một cái”. Lão dám khẳng định: “Cả huyện Vĩnh Tường giờ ước tính cũng chỉ còn độ chục chiếc bát, đĩa cổ trong dân mà thôi!”.

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

"Lão gàn" Nguyễn Văn Trường trăn trở về tương lai của ngôi nhà một khi mình không còn. Ảnh: Duy Ngợi

Hào hứng kể, hào hứng khoe về thú “chơi ngông” nhưng khi phóng viên hỏi: “Không biết con của anh có ai hiểu được việc làm của bố?” thì lão chỉ thở dài và lắc đầu. Lão có một đứa con trai, từ nhỏ thấy bố làm đã không khỏi tò mò, đến giờ nó vẫn chưa hiểu được vì sao bố lại “khùng” như vậy? Nhưng lão tin một ngày, con trai lão có thể hiểu được, thừa kế và bảo tồn căn nhà theo tâm nguyện của lão.

Dưới đây là một số hình ảnh độc đáo trong ngôi nhà gốm sứ của "lão gàn" Nguyễn Văn Trường: 

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Khuôn viên trước ngôi nhà khá thơ mộng, hữu tình. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Phòng khách riêng của lão "gàn" được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Tường nhà được dát toàn bằng gốm sứ trông rất cổ kính giữa những vật dụng hiện đại. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Cổng vào nhà được trang trí bằng gốm sứ rất bắt mắt. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Tiền xu và những con chó đá. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Những chiếc đèn cũ. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Những đồng tiền xu cổ xưa xen kẽ với gốm sứ. Ảnh: Duy Ngợi

Lão nông “gàn” và ngôi nhà gốm sứ nức tiếng Vĩnh Phúc

Nhiều bát, đĩa cổ được gắn trên tường của ngôi nhà gốm sứ. Ảnh: Duy Ngợi

Duy Ngợi