Đồng hành cùng địa phương tháo gỡ vướng mắc
Trong 2 ngày (26-27/4), đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã khảo sát và hướng dẫn Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan về việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 (Chương trình 1719).
Nắm bắt sát sao vướng mắc tại địa phương
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dĩnh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 của tiểu dự án 1 - dự án 5 chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số, Sở GD&ĐT Thanh Hoá đã nỗ lực, cố gắng để tổ chức thực hiện".
Ông Dĩnh cho biết thêm, trong quá trình triển khai, ngành Giáo dục Thanh Hoá gặp phải một số khó khăn như: Quá trình triển khai cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trường PTDTNT, trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú.
Bất cập về suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng biến động theo thời giá vật liệu; đơn vị tính đối với mục tiêu được giao là phòng. Trong khi đó đối với mỗi hạng mục công trình còn có phần diện tích xây dựng khác như: Hành lang, cầu thang, nhà vệ sinh….
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục tỉnh còn khó khăn về việc hỗ trợ mua sắm thiết bị cho các trường nội trú, bán trú, các trường phổ thông có học sinh bán trú.
Ông Dĩnh lý giải: "Danh mục thiết bị phục vụ ăn ở, sinh hoạt cho giáo viên và học sinh, thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong nhà trường bởi vậy cho nên ngành giáo dục đang còn lúng túng trong việc tham mưu thực hiện".
Đồng thời, do tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, dẫn đến xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thanh Hoá bị thu hẹp lại. Điều đó ảnh hưởng đến tỉ lệ học sinh bán trú trong các nhà trường. Bởi vậy sẽ tác động rất lớn đến chủ trường đầu tư cơ sở vật chất cho trường này.
Cũng tại cuộc họp này, ông Lê Minh Hành – Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: “Tiểu dự án 1 và dự án 5 nguồn đầu tư là cơ bản ổn. Đối với Thanh Hoá đã xây dựng và ban hành được tiêu chí, định mức đầu tư. Ban Dân tộc được UBND giao phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương rà soát nhu cầu thực tế để tham mưu, đề xuất các dự án đầu tư phù hợp”.
Ông Hành cũng cho biết thêm: “Một số khó khăn mà Sở GD&ĐT đề ra mong Bộ GD&ĐT hỗ trợ, hướng dẫn để Thanh Hoá hoàn thành các mục tiêu Tiểu dự án 1 - dự án 5 cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia khác”.
Hoàn thiện chính sách và đầu tư trọng điểm
Sau khi nghe những chia sẻ của các sở, ban ngành của tỉnh Thanh Hoá, ông Lê Như Xuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) đánh giá những ý kiến đưa ra đã sát sao với thực tế. Qua những kiến nghị này, giúp cho đoàn công tác nắm rõ hơn những khó khăn mà Sở GD&ĐT cũng như các đơn vị đang triển khai tiểu dự án 1 - dự án 5 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Cũng trong buổi làm việc này, ông Lê Như Xuyên đặc biệt nhấn mạnh: "Sở GD&ĐT cần chú trọng vào công tác tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách theo thẩm quyền đã phân cấp. Cần cần rà soát những điểm nóng, cơ sở giáo dục thật sự cần để đầu tư trọng điểm. Không đầu tư dàn trải, manh mún, hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư, khẩn trương đưa vào sử dụng và phát huy công năng của công trình".
Ông Xuyên cho rằng, địa phương cần cân đối nguồn lực để có chính sách hỗ trợ thêm cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh con hộ nghèo, cận nghèo để huy động tối đa các em ra lớp và duy trì sĩ số chuyên cần góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn miền núi của tỉnh.
"Chúng tôi cũng ghi nhận những khó khăn, bất cập trong trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018, đặc biệt là thiếu giáo viên các môn đặc thù như Tin học, Âm nhạc và tiếng Anh”, ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh.