Tâm điểm dư luận

Mảng tối của TikTok

Thanh Thủy 07/04/2023 11:23

Mạng xã hội TikTok tại Việt Nam giờ không còn nhiều giá trị để giải trí, mà thay vào đó là những nội dung độc hại, nhảm nhí, gây bức xúc xã hội.

Năm 2019, TikTok chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dùng trẻ tuổi.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 50 triệu người dùng.

Ăn TikTok, ngủ TikTok. Nhiều người dành cả tiếng đồng hồ "vùi mặt" vào chiếc điện thoại để xem những video ngắn trên TikTok. Quán trà đá vỉa hè hay quán cà phê sang chảnh, thậm chí ngay tại công sở, tâm điểm vẫn là màn hình điện thoại.

Xem. Nghe. Và cười một mình. Đôi khi còn vô thức khua chân, múa tay, uốn éo, lắc người vì bị nhiễm trend (xu hướng) trên TikTok.

Nền tảng TikTok cho phép người dùng có thể tạo ra bất cứ nội dung gì, từ review phim, đồ ăn, tổng hợp tin tức hay đơn giản chỉ là một đoạn nhạc được cắt từ một bài hát “hot hit” của nghệ sĩ nào đó.

Điều đáng nói, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền; không quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác nhằm tung tin giả hoặc bôi nhọ, xúc phạm.

Đáng lo ngại nhất là TikTok tạo ra những trend độc hại như "nhảy qua đầu ôtô đang di chuyển...", tự mài răng ở nhà, thách đấu trực tuyến...

Trào lưu giả làm người thân để trêu đùa trẻ em; trào lưu "hướng nghiệp, chọn ngành học" lệch lạc gây tác hại lớn cho giới trẻ như "nghèo vì đọc sách", "không cần học đại học"... Những nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ em.

TikTok cũng khiến nhiều nhà làm phim khóc ròng, bức xúc vì nạn xâm phạm bản quyền. Để hút view, câu like, các Tiktoker vô tư cắt ghép hình ảnh, lấy nội dung gây sốc rồi đăng lên mạng.

Và cũng chính vì lỗ hổng trong việc kiểm soát bản quyền của TikTok tạo cơ hội cho nạn quay lén phim chiếu rạp trở nên phổ biến.

Cùng với vấn đề phim điện ảnh, truyền hình bị bóp méo, xâm hại, tình trạng nhạc chỉ cần 15 giây là đủ và nhạc "rác" tràn lan trên xu hướng mạng xã hội.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra 6 sai phạm của TikTok Việt Nam, trong đó có những nội dung độc hại, tin xấu, tin giả, phản cảm, câu view….

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử nhấn mạnh, những vi phạm của TikTok tại Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.

Một mặt, những hành động này khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

Ở góc độ nào đó, TikTok có thể mang đến giá trị giải trí với những đoạn nhạc hay, video ngắn, những hình ảnh nhân văn… nhưng trên thực tế TikTok đi vào đời sống trên phương diện tiêu cực nhiều hơn bởi lỗ hổng trong kiểm soát nội dung.

Những thông tin tiêu cực không phù hợp với lứa tuổi và không có giá trị tích cực khiến nhận thức của giới trẻ, nhất là trẻ em bị lệch lạc, méo mó, từ đó hình thành thói quen và lối sống không phù hợp.

Siết chặt quản lý mạng xã hội nói chung và TikTok nói riêng là cần thiết để người dân được sống trong môi trường mạng lành mạnh.

Thanh Thủy