Tìm mộ liệt sĩ: “Ngoại cảm” và ADN

Đời sống - Ngày đăng : 16:18, 01/11/2013

Việc cơ quan chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy (cậu Thủy) do nghi vấn lừa đảo Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam trong việc tìm mộ liệt sĩ đã dấy lên trong xã hội những quan ngại…

Nguyện vọng chính đáng

 

Là một đất nước đã trải qua mấy chục năm chiến tranh nên vấn đề hài cốt liệt sĩ là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước, thân nhân liệt sĩ và toàn xã hội. Bền lề Quốc hội, trao đổi về vấn đề cử tri cả nước quan tâm, đại biểu Lê Trọng Sang (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết: Nhiều thân nhân liệt sĩ rất mong muốn tìm được mộ của cha mẹ, anh chị em, đó là nguyện vọng rất chính đáng của người dân. Tại TP Hồ Chí Minh khi chúng tôi thực hiện công việc này thì hiện nay có hơn 27.000 ngôi mộ liệt sĩ trên 7 nghĩa trang tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó số mộ thiếu thông tin, danh tính lên tới gần 6000 mộ, chiếm 1/5 tổng số mộ liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Số liệu này cho thấy rằng, mong muốn tìm được mộ của gia đình thân nhân liệt sĩ là rất lớn. Chính vì vậy, lợi dụng vào nguyện vọng chính đáng đó, trong khoảng 5 năm trở lại đây đã xuất hiện rất nhiều nhà ngoại cảm.

 

Tôi không phải là một nhà khoa học nên không có khả năng để đánh giá ngoại cảm đúng hay sai. Nhưng tôi cho rằng, qua thực tiễn của thành phố tôi thấy rằng do nguyện vọng của các gia đình, mà họ tự tìm đến với những nhà ngoại cảm. “Trong đó những trường hợp gia đình có yêu cầu đưa vào nghĩa trang liệt sĩ thì thành phố mới tổ chức giám định ADN và trường hợp nào không đúng thì phía gia đình phải chấp nhận, tuy nhiên có nhiều gia đình không đến với mình, họ tự đưa về nhà để thờ cúng. Có một thực tế gần như những trường hợp tìm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm khi tiến hành giám định lại bằng ADN thì đều không chính xác".

 

Tìm mộ liệt sĩ: “Ngoại cảm” và ADN

Quy tập hài cốt liệt sĩ   Ảnh TK

 

Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW cho rằng: Việc tìm mộ liệt sĩ thực sự là có ý nghĩa đối với các gia đình có thân nhân, con em hy sinh trong chiến tranh. Tuy nhiên nếu dựa vào điều này mà lừa đảo thì không thể chấp nhận được. Các thân nhân liệt sĩ đã phải đau khổ bao nhiêu năm vì người thân, chồng, cha, con, em họ hy sinh vì đất nước đã là quá thiệt thòi, nay lại tính chuyện lừa đảo trên tình cảm, tâm linh của họ nữa thì phải lên án mạnh mẽ.

 

“Về phương pháp ngoại cảm cho đến nay người ta vẫn đang nghiên cứu cho nên tôi không đưa ra đánh giá. Bản thân tôi thì cho rằng giả sử có tìm được hài cốt thật thì cũng nên sử dụng phương pháp khoa học là giám định ADN. Việc này chắc chắn phải làm để đảm bảo rằng gia đình yên tâm trong việc thờ cúng. Tôi hiểu rằng về mặt tâm lý gia đình nào cũng mong muốn tìm cho được hài cốt hay là một vật dụng của thân nhân mình, song cũng không nên vì thế mà tin vào bất cứ những gì nhà ngoại cảm nói.

 

Cá nhân tôi thì chưa bao giờ đi cùng các nhà ngoại cảm để tìm kiếm hài cốt đồng đội của mình trong chiến tranh. Thực sự tôi cũng không có niềm tin vào phương pháp này”.

 

Không nên coi ngoại cảm là một phương pháp xác định 

 

Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH cũng chia sẻ quan điểm, không nên coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vì độ phức tạp rất lớn, chưa có cơ sở pháp lý kiểm tra, hơn nữa sẽ gây tâm lý lợi dụng thực hiện tràn lan. Một số nhà ngoại cảm đã được xác định năng lực, có đóng góp vào công tác tìm mộ liệt sỹ trong thời gian qua nhưng thông tin họ cung cấp cũng chỉ nên coi là những dữ liệu tham khảo ban đầu. Bởi lẽ, ngoại cảm chưa đủ điều kiện để được coi là phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ mà cần dựa vào các minh chứng khoa học, giám định cụ thể.

 

Trước đây, Nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân, quy tập tìm mộ liệt sĩ. Còn trong các văn bản pháp luật hiện hành, Nhà nước đã giao cho cơ quan quân sự hoặc đội quy tập thực hiện nhiệm vụ quy tập tìm mộ liệt sĩ. Những tổ chức, cá nhân tự phát, khi bị phát hiện có động cơ nào khác, sẽ bị xử phạt hoặc đề nghị điều tra và xử lý theo pháp luật.

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ đã hy sinh trong nhiều trường hợp rất khó khăn, bởi chiến tranh ác liệt, thời gian mỗi ngày một lùi xa. Bởi vậy, xuất phát từ lòng mong muốn của mình, nhiều gia đình đã chủ động tìm kiếm người thân. Cũng có thể có người lợi dụng mong muốn đó để hoạt động trái pháp luật. Do vậy, các cơ quan chức năng phải xác minh, làm rõ, xử lý theo pháp luật một số trường hợp. Cụ thể, trong vụ chi cho đối tượng tự xưng là “cậu Thủy” số tiền 7,8 tỷ đồng để tìm mộ liệt sĩ phải xác minh, làm rõ số tiền ấy được chi trả theo chương trình nào, từ đó xác định trách nhiệm cụ thể với tổ chức tín dụng đã giải ngân. Trong các văn bản pháp luật hiện nay, không có quy định nào nói về việc chi phí cho nhà ngoại cảm.

 

Tìm mộ liệt sĩ: “Ngoại cảm” và ADN

Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9  (Ảnh: Bảo Thư)

 

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, cần thực hiện tốt 5 giải pháp: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Thứ hai, phải mở rộng tra cứu, tìm kiếm thông tin bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thứ ba, phải dựa vào dân, vì chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Thứ tư, phải tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học mới, trong đó có việc xây dựng ngân hàng dữ liệu để người thân liệt sĩ tra cứu. Cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

 

Xét nghiệm AND

 

Những diễn biến phức tạp trong hoạt động tìm mộ của các nhà ngoại cảm khiến cho nhu cầu xác định ADN các hài cốt trở nên cấp thiết.  Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg - Phê duyệt đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn khuyết thông tin. 

 

Mục tiêu đề ra đến năm 2015 là xây dựng và hoàn thiện quy trình xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được giám định để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Điều tra tại 63 tỉnh, thành phố để thu thập, tổng hợp, cập nhật, bổ sung thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ còn thiếu thông tin, thông tin về mộ và nghĩa trang liệt sĩ; Thực hiện việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ để giám định gen; Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin khoảng 3.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 5% số hài cốt hiện chưa có thông tin).

 

Và mục tiêu đến năm 2020 là xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; Xác định bằng phương pháp thực chứng thông qua tìm kiếm, quy tập, khớp nối thông tin đạt 7.000 hài cốt liệt sĩ; phương pháp giám định gen đạt 70.000 hài cốt liệt sĩ (khoảng 20% số hài cốt hiện chưa có thông tin).

 

Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công Bộ LĐ-TB&XH, là đơn vị được giao chủ trì hoạt động cấp nhà nước này, cho biết: Hiện nay việc xác định danh tính cho các liệt sĩ có nhiều phương pháp. Thứ nhất là phương pháp thực chứng. Thứ hai là việc kết nối thông tin giữa những người đã từng chôn cất liệt sĩ và những đội quy tập trực tiếp cất bốc hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang những kỷ vật, kể cả giám định ADN. 

 

Chúng ta cũng không kỳ vọng là tất cả 500.000 liệt sĩ còn chưa có thông tin là chúng ta có thể giải quyết được hết một cách trọn vẹn. Nhưng tinh thần chung là nhà nước sẽ tập trung nguồn lực  làm thế nào để xác định càng nhiều càng tốt. Mục tiêu đến năm 2015, tiến hành xác định bằng khớp nối thông tin cho 3000 liệt sĩ, xác định bằng xét nghiệm ADN cho 10.000 liệt sĩ – ông Hoàng Công Thái chia sẻ.

 

Đối với những trường hợp, bằng các biện pháp khác mà đã xác định chính xác danh tính liệt sĩ thì sẽ không giám định ADN. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác, cũng coi việc giám định ADN là khâu cuối cùng, bắt buộc nếu các phương pháp khác không giải quyết được thì mới giám định ADN. Ngay trong đề án của chúng ta cũng quy định như thế. Nếu mà phương pháp thực chứng và những phương pháp khác đã xác định chính xác danh tính các liệt sĩ rồi thì chúng ta không làm giám định ADN nữa.

 

Đỗ Huyền