Tháng Ba, hành hương về đất Tổ
Đời sống - Ngày đăng : 13:59, 17/04/2013
Giỗ Tổ năm nay khác mọi năm vì “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
1. Hình như trong các dân tộc trên thế giới, chỉ riêng người Việt có ngày giỗ tổ chung của dân tộc và người dân trong nước gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”, coi nhau như anh em một nhà, cùng chung huyết thống. Sự độc đáo đó lại mang một giá trị có tính phổ quát của nhân loại, đó là tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Thế giới này ngày càng phẳng, càng như nhỏ hẹp hơn nhưng những cuộc chiến tranh vẫn không ngừng im tiếng súng, những cuộc chiến sắc tộc, ly khai dường như lại dai dẳng và đẫm máu hơn cả, nên giá trị của truyền thống của tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương của Việt Nam càng ngày càng hiển lộ những giá trị vô giá. Có lẽ vì thế, mà Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể diễn ra tại Pa-ri (Pháp), ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bằng sự công nhận của UNESCO, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng với câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba” với lễ vật là bánh chưng, bánh dày… đã nâng lên một tầm ý nghĩa mới, là của riêng dân tộc Việt giàu bản sắc nhưng lại mang tính đại diện của nhân loại đa dạng. Phát biểu tại buổi lễ đón nhận Bằng của UNESCO trao tặng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu “con Lạc-cháu Hồng.” Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu
Chủ tịch nước cho rằng thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
2.Đứng trước cổng tam quan Đền Hùng, ngẩng trông bốn chữ “Cao sơn cảnh hành” trong dòng người tấp nập tự bốn phương đổ về, ta càng thấy ý nghĩa thẳm sâu của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tầm nhìn vượt thời gian của cha ông ta. “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ” – bốn chữ đại tự lấy từ câu này, nghĩa là núi cao ta ngẩng trông, đường lớn ta đi tới. Càng trông lên càng thấy công đức tổ tiên ta vĩ đại, càng bước đi trên rộng dài đất nước, ta càng thấy tiền đồ thênh thang của cả dân tộc.
Cách đây mấy chục năm, GS Trần Quốc Vượng có kể về TS K.Taylor (Hoa Kỳ) – người đầu tiên giới thiệu cuốn “Lịch sử Việt Nam” (1971) ra với thế giới Anh ngữ. Vị Tiến sĩ này đã viết rằng: “Chỉ nội một việc người Việt Nam bảo tồn được tiếng nói nhân dân – tiếng Việt – và lưu giữ trong ký ức cộng đồng dân tộc huyền thoại Cội nguồn mẹ Âu (Âu Cơ) – bố Lạc (Lạc Long Quân), cặp vợ chồng khởi nguyên đã sinh thành nên dòng dõi các Vua Hùng… cũng đủ chứng minh người Việt Nam không muốn và không thể trở thành người Trung Hoa, dù Trung Hoa có cố gắng đến đâu đi nữa. Được như thế là nhờ người Việt cổ đã xác định được lối sống riêng ngay từ thời đại các Vua Hùng, dựa vững chắc vào một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước với hạt nhân xã hội là các xóm làng”.
Tại Lễ tôn vinh, bà Katherine Muller Martin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cũng nhấn mạnh, Lễ tôn vinh hôm nay chính là sự nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đoàn kết và thống nhất đối với dân tộc Việt Nam cũng như tầm quan trọng đối với sự công nhận giá trị của sự đa dạng được thống nhất bởi một cội nguồn duy nhất... Niềm tin này sẽ mãi gắn kết dân tộc Việt Nam và định hướng cho mọi người dân cùng nhau chung sống bền vững đồng thời bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa.
Với hai nhận xét của hai vị khách quốc tế, ta thấy tài sản tinh thần, triết lý sâu xa mà tiền nhân tạo dựng cho con cháu muôn đời thật kỳ vĩ, lớn lao.
Rước lễ lên Đền Thượng
3.Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, gần 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái đã lập tới 1.417 di tích, riêng địa bàn tỉnh Phú Thọ có 181 di tích, thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng. Từ xa xưa lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt Nam. Trong ngọc phả Hùng Vương (1470) đã chép “Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ tích), ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ xưa”. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917) Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ định ngày mùng mười tháng Ba âm lịch hàng năm làm ngày quốc tế (còn ngày giỗ Tổ 11 tháng 3 âm lịch do dân sở tại làm lễ).
Trong ngày khai hội năm nay, nhìn đoàn kiều bào tiêu biểu gồm 60 người đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Ucaina, Thái Lan… đại diện cho hơn 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài về dự Lễ giỗ Tổ, chúng tôi thấy sức mạnh của huyết mạch dân tộc, sợi dây ràng buộc nhau trong tình đùm bọc, “dây bầu dây bí, dây chị dây em”… Mọi người đều chung cảm xúc bồi hồi, xúc động khi về vùng Đất Tổ.
Linh thiêng lăng mộ Vua Hùng
Cụ Lê Văn Duyên, 84 tuổi, Việt kiều Mỹ nói: “Chúng tôi rất tự hào vì là con cháu Âu Cơ, là người Việt Nam. Dù xa quê hương, nhưng tấm lòng luôn hướng về quê hương, về dân tộc. Mỗi lần về với đất Tổ, với các Vua Hùng là một lần về với quê Mẹ. Sự kiện năm nay càng có ý nghĩa hơn khi Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng vương được UNESCO công nhận là di sản”.
Lễ hội năm nay có sự tham gia, dâng lễ vật của 8 tỉnh khắp 3 miền Bắc - Trung- Nam là Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Bình Định, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu, thấp thoáng bóng dáng của câu chuyện thời Lang Liêu, các con mang sản vật về dâng kính Vua Cha. Các địa phương khác, tỉnh Phú Thọ đều mời một vị lãnh đạo tỉnh về tham dự lễ Giỗ Tổ.
4. Dù Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc thờ cúng và lễ hội Đền Hùng nhưng lễ hội phải xuất phát từ người dân, do người dân địa phương tổ chức, gìn giữ và trao truyền cho nhau mới đúng bản chất của lễ hội dân gian như ngàn năm qua. Vì thế, Lễ hội Đền Hùng năm nay vai trò của người dân được thể hiện rõ nét hơn những năm trước rất nhiều. Đầu tiên là Lễ hội đường phố sáng 13/4 tức là ngày 3 tháng Ba âm lịch, mở đầu cho tuần lễ hội. Lễ hội quy tụ hơn 3000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 13 huyện thuộc tỉnh Phú Thọ, biểu diễn các tiết mục như trình diễn múa sư tử; đội bơi chải phường Bạch Hạc; đội múa chuông múa rùa dân tộc Dao và đội diễn tấu cồng chiêng huyện Thanh Sơn; đội trình diễn kèn bè, kèn lá, chạm ống huyện Tân Sơn; đội trình diễn lễ hội rước nước xã Văn Lang; đội múa trống đu; Lễ hội ngoắt ngoe và trình diễn đâm đuống của dân tộc Mường huyện Yên Lập…
Và đêm 13/4, tại Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội đất tổ Hùng Vương" với sự tham gia hơn 1300 người, trong đó chủ yếu là các nghệ nhân 4 phường Xoan gốc, nghệ nhân diễn xướng dân gian các huyện của Phú Thọ.
***
Ngồi dưới bóng cây thiên tuế ở chùa Thiên Quang, bên đền Hạ, nhìn dòng người từ mọi miền đất nước hành hương về lễ Tổ, chúng tôi cảm nhận thấy giỗ Tổ Hùng Vương tựa như việc giỗ tổ các dòng họ trong từng làng xã. Phú Thọ với vai trò dòng trưởng đã đón anh em con cháu xa gần về dự lễ. Chuyện nước mà cũng là chuyện làng, chuyện nhà mà cũng là chuyện nước, vì thế dân ta mới hay nói đến “làng nước”, mới dùng chữ “quốc gia”…
Nguyễn Phan Khiêm