Hà Nội: Bãi đỗ xe và câu chuyện tầm nhìn
Đời sống - Ngày đăng : 11:06, 13/04/2012
Chứng kiến lực lượng liên ngành gồm CSGT và TTGT làm nhiệm vụ trong những ngày này, có thể nhận thấy họ liên tiếp nhận được thắc mắc của các chủ xe bị xử phạt vì lỗi để xe dưới lòng đường, rằng họ không phạm luật bởi tuyến phố không có biển cấm đỗ. Đáp lại là những giải thích cho người dân về chủ trương mới của thành phố từ lực lượng liên ngành. Nhưng xem ra nhiều người vẫn chưa tâm phục, khẩu phục. Thậm chí trên một số diễn đàn mạng xã hội còn sôi nổi thảo luận về chủ đề này. Viện dẫn của các thành viên diễn đàn đưa ra là theo Luật GTĐB năm 2008 chỉ có 2 khái niệm dừng xe và đỗ xe. Nhưng theo Nghị định 34 lại có lỗi phạt đỗ xe dưới lòng đường trái quy định pháp luật (mặc dù không có biển cấm). Vì vậy, những khu vực, đường phố không có biển cấm đỗ, CSGT và TTGT vẫn phạt lái xe lỗi để xe dưới lòng đường(!).
Thế nhưng, thực tế thì bộ mặt phố phường Hà Nội, đặc biệt tại các khu phố cổ, phố cũ trong những ngày qua đã phong quang hơn rất nhiều, cảnh tắc đường cục bộ giảm rõ rệt. Và như một quy luật tất yếu của xã hội khi lợi ích của người này lại thành bất lợi của người khác. Những ngày này nhân viên nhiều công sở đang dở khóc, dở cười vì nơi họ làm bị cấm đỗ xe cả lòng đường lẫn vỉa hè. Anh Nguyễn Công Minh, nhân viên lái xe của một cơ quan nhà nước nằm trên phố Đường Thành thường ngày vẫn đỗ xe ở bãi giữ ngay trước cổng cơ quan nhưng mấy ngày nay phải đánh xe ra cách đó 2, 3 cây số, mãi phía ngoài đê mới có chỗ gửi rồi sau đó bắt xe ôm quay ngược lại cơ quan. Một loạt các cơ quan nhà nước nằm dọc phố Hai Bà Trưng, Cát Linh…nhân viên cũng chỉ biết chọn giải pháp gửi xe ở những ngõ nhỏ hoặc chấp nhận gửi xe rồi ở một nơi khác cách chỗ mình làm hàng cây số.
Quá trình vào cuộc bản thân cơ quan chức năng cũng thấy rõ những bất cập ở các khu phố mật độ dân cư đông nhưng chưa bố trí được điểm trông xe. Theo ông Nguyễn Việt Hà, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm thì nhiều doanh nghiệp, người dân và các cơ quan đang rất khó khăn trong việc bố trí điểm đỗ xe khi mà thành phố chưa duyệt phương án điểm đỗ xe thay thế. Nhiều tuyến phố chưa làm chặt vì chưa bố trí được điểm đỗ nên rất khó tiến hành xử phạt vi phạm.
Nếu như đường rộng, nếu như mật độ dân cư được phân chia hợp lý chắc chắn sẽ không xảy ra nạn tắc đường, kẹt xe. Nhưng đấy là “nếu như”, còn thực tế đường quá hẹp, mật độ dân cư cứ nhằm vào nội đô để kiếm kế mưu sinh. Hà Nội xưa, rồi Hà Nội mở rộng cũng chẳng giúp giao thông nội đô khá khẩm hơn. Lúc này, thủ đô được ví von như người khổng lồ vận trên mình chiếc áo quá chật. Xin đừng vội trách những người làm quy hoạch bởi nguyên nhân không hẳn ở họ. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi quy hoạch tuyến đường nối Hà Đông với khu nội thành các kiến trúc sư đã lên bản vẽ với 4 con đường, rút cục nó đã bị những người có tiếng nói quyết định chốt xuống còn 1. Cây cầu Thăng Long trong khi còn đang xây dở dang đã có nhiều ý kiến cho rằng tại sao lại xây cầu quá xa trung tâm thành phố. Tất cả các thắc mắc đó giờ đã có câu trả lời. Nói đi cũng phải nói lại, Đề án giãn dân phố cổ có từ bao năm nay nhưng giờ vẫn chỉ là những lời bàn, thành phố muốn di dân nhưng dân không chịu, sau này phố cổ thành phố quá tải không biết ai sẽ trách ai đây ?
Đỗ xe ở đâu, giờ không chỉ là câu hỏi làm đau đầu không ít chủ xe mà cũng là bài toán bí lời giải đối với chính quyền. Chúng ta thiếu hoàn toàn hệ thống đỗ xe ngầm. Đất dành cho giao thông tĩnh chiếm không đến 3% đất giao thông đô thị (so với trung bình ở các nước phát triển là 15-20%). Giao thông công cộng sau hơn 20 năm đổi mới, hội nhập quốc tế chủ yếu vẫn là xe buýt với số lượng hạn chế và nhiều bất cập về hướng, tuyến. Trong khi đó, ở các nước bạn mà hàng năm ta gửi hàng chục đoàn công tác sang tham quan học hỏi như Nga, Trung Quốc, các nước châu Âu… đã có hệ thống xe điện ngầm cùng các bãi đỗ xe ngầm hàng trăm năm rồi nhưng về nước cũng vẫn chưa áp dụng được gì.
Ở Thủ đô nhiều người không khỏi dị ứng với cụm từ “điều chỉnh quy hoạch”. Một tòa nhà khi xin phép xây dựng chỉ có 21 tầng, rồi sau đó người ta “lách luật” bằng cách điều chỉnh quy hoạch nâng lên thành 34 tầng, siêu lợi nhuận của chủ đầu tư là đây và tắc đường cũng từ đây. Vậy là bài toán đỗ xe của Hà Nội cũ hay mới cũng chưa có lời giải thỏa đáng, bởi những khu đô thị mới mọc lên vài năm trở lại đây nhưng đã thiếu trầm trọng những bãi đỗ như Trung Hòa, Nhân Chính, Mễ Trì Thượng… Do đó, mọi chủ trương muốn đi vào cuộc sống phải căn cứ từ thực tế chứ không thể cứ cấm là được.
Gia Hưng