Một đời chịu khổ vì… cò
Đời sống - Ngày đăng : 11:06, 13/04/2012
Duyên phận với cò
Cứ vào sáng sớm (cò đi kiếm ăn) hay chiều tối (cò về) là hàng vạn con cò phủ trắng trời Thọ Liên. Cảnh tượng ấy đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây. Không ai (ngay cả ông chủ) lý giải được vì sao cò lại chọn nơi này là chỗ quay về. Và cũng chẳng cần phải suy xét, bởi “đất lành chim đậu”!
Thấy chúng tôi, ông Của thở dài: “Các chú thấy đấy, đời người cũng như phận cò, cũng phải dậy thật sớm, chăm chỉ đi kiếm ăn, tối mịt mới về”. Ông đã mở đầu một cách đầy triết lý như chiêm nghiệm từ chính cuộc đời chai sạn của mình: Khoảng năm 1967, tôi lên đây lập nghiệp. Ngày đó, nơi này chỉ là vùng đất hoang. Ban đầu, vợ chồng tôi trồng sắn để sinh sống, về sau thêm vầu và luồng. Được một thời gian khi những cây vầu, cây luồng đã phủ xanh quả đồi, từng đàn cò ở đâu bay về ngủ đêm, lúc đầu chỉ dăm ba con rồi đến đàn đàn kéo về, có khi lên tới hàng vạn con. Năm 1978 trở lại đây, đàn cò bắt đầu ở ổn định ở trong rừng vầu khoảng 4 ha. Cứ sáng sớm chúng lượn 1 vòng như muốn chào rồi mới đi. Chiều về, chúng cũng tề tụ đông đủ, làm một vòng rồi mới sắp xếp chỗ ngủ”. Cuộc đời ông Của từ đó tới nay đã gắn liền với cò. Ông chăm lo bảo vệ chúng như người thân của mình. Ông kể: “Hồi đó nhà mình đông con lắm lại đói nữa, lũ trẻ phải đi đào củ sắn, bắt con cá kiếm ăn từng bữa nhưng mình nhất quyết dạy các con không được bắt cò để ăn, nếu bắt cò thì chúng sẽ sợ mà bỏ đi hết. Vì vậy mà đàn cò đã coi nhà mình là nhà của chúng. Hơn ba chục năm nay, gia đình tôi đã coi đàn cò như một phần không thể thiếu được”.
Ông Của đang giới thiệu đàn cò trong rừng vầu
Theo chân ông lên đồi cò, chúng tôi thực sự bị ngợp bởi chất thải của đàn cò để lại. Cả khu rừng vầu, luồng bị phủ nám bởi lớp phân cò thả xuống, nền đất cũng thấm đẫm phân và lông cò. “Ngày nào tôi cũng lượn khắp đồi cò để kiểm tra xem có gì bất thường không”. Khi vừa thấy một đám trăng trắng, ông nhanh chân tiến lại. Biết đó là một xác cò, ông ngậm ngùi đưa lên xem xét: “Chú cò già tội nghiệp”. Sẵn dao trong tay, ông đào lỗ chôn ngay ở đó.
Sống chết vì cò
Ông cho biết, cò cũng sống theo từng cặp đôi một, vào thời kì sinh sản (từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch), chúng thường đẻ từ 2 đến 5 trứng rồi thay nhau ấp. Đây là khoảng thời gian đàn cò dễ bị săn bắt, xâm hại nhất. Nên vào những tháng này, ông thường vào hẳn trong đồi cò để ở và trông coi cho chúng, những tháng còn lại, ông ra bên ngoài sống cùng vợ con.
Ông Của đã từng nhiều lần chiến đấu chống lại bọn săn bắt cò. Mấy năm trước, đồi cò thường xuyên phải đặt trong tình trạng báo động. Vì thấy nhiều cò, bọn săn trộm thường kéo đến kiếm ăn. Cứ đêm xuống hoặc trưa nắng là họ lại vượt đồi vào vườn luồng dùng súng săn, súng cao su bắn hạ cò, rồi rung cây cho cò non rơi xuống. Ông Của nhớ lại: “Có lần tôi đã phải đổ máu với lũ săn trộm này, đó là lần chống lại chục tên săn trộm cò ở vùng bên. Chúng đã đánh tôi bị thương, may nhờ các con về kịp đã giải nguy cho. Sau lần đó, tôi lại càng quyết tâm bảo vệ cò cho bằng được. Tuy vợ con có ngăn nhưng tôi kệ”. Và, sự quyết tâm bảo vệ nơi nghỉ chân cho cò của ông Của đã thuyết phục được cả gia đình. Nhưng trước sức ép của cơm, áo, gạo, tiền... ông chủ vườn cò này thật không dễ lựa chọn.
Vì không có đất làm ăn, năm 2007, ông Của đã phải phá đi 1ha đất đồi cò để trồng mía lấy thêm nguồn thu nhập. Cả gia đình (8 nhân khẩu, trông cả vào đất đồi) không thể vì đàn cò mà chết đói được. Khi phá bỏ đi 1ha, lòng ông đã trăn trở hàng tuần liền. Nhiều đêm không ngủ được, ông lại đi lên đồi cò. Theo lời ông Của, đã có nhiều người muốn hỏi mua lại đồi cò với giá hơn 1 tỷ đồng. Cả đời người nông dân trên xứ rẻo cao này, vài chục triệu đồng còn chưa bao giờ dám mơ tới chứ nói gì đến tiền tỷ, nhưng ông Của nhất quyết không bán. Dẫu ông biết rằng, những đứa con của mình rất cần có một chút vốn liếng để ổn định cuộc sống.
Rồi mai này, khi ông Của gần đất, xa trời, liệu những cánh cò trắng kia có còn nơi bình yên để quay về? Đó là trăn trở lớn nhất đối với người đàn ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Thanh Phương