Năm 2012, phấn đấu 80% dân số nông thôn sử dụng nước sạch
Đời sống - Ngày đăng : 11:06, 13/04/2012
Nước và môi trường
Trong nhiều năm qua, các bệnh liên quan tới nước và vệ sinh môi trường vẫn là vấn đề lớn về sức khỏe ở Việt Nam. Bệnh tiêu chảy là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ốm đau trên phạm vi toàn quốc, làm cho khoảng 250.000 người phải nhập viện mỗi năm. Theo ước tính mới đây, có tới 44% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun tóc, giun móc và giun đũa.
Tuy Việt Nam đã đạt tiến bộ nhanh chóng trong việc cải thiện tình hình cấp nước vào những thập kỷ qua, song nhiều nơi ở Việt Nam - đặc biệt là những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và những cộng đồng dân cư nông thôn vùng xa, vùng sâu và thường là nghèo nhất - đã bị tụt hậu. Việc cung cấp các phương tiện vệ sinh môi trường và các phương tiện vệ sinh khác trong thời gian qua tiến triển rất chậm. Một cuộc điều tra mới đây về tình hình vệ sinh môi trường cho thấy rằng 52% dân cư nông thôn có phương tiện vệ sinh môi trường nói chung, song chỉ có 18% trong số họ được sử dụng nhà xí đạt tiêu chuẩn vệ sinh do Bộ Y tế ban hành theo Quyết định số 08/2005/QD-BYT. Cuộc điều tra này còn cho thấy chỉ có 12% số trường học có phương tiện vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Chất lượng nước, đặc biệt tình trạng nước ngầm bị nhiễm thạch tín, là vấn đề mới nảy sinh hết sức nghiêm trọng.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và UNICEF (2006-2010), Chương trình nước sạch, môi trường và vệ sinh môi trường đặc biệt chú trọng vào các hoạt động hỗ trợ Chính phủ rút ra các bài học và kinh nghiệm thông qua công tác nghiên cứu, đánh giá, ghi chép thành văn bản và triển khai thí điểm các mô hình nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động dự án và gia tăng giá trị trong quá trình thực hiện cũng như xây dựng Chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn lần thứ II của Chính phủ. UNICEF còn khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc lập kế hoạch xây dựng, thực hiện và quản lý các cơ sở cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn thông qua các hoạt động truyền thông.
Vấn đề vệ sinh môi trường và nếp sống vệ sinh phải được quan tâm giải quyết khẩn cấp. UNICEF cũng hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình tăng cường tiếp cận với nước sạch, nâng cấp các phương tiện vệ sinh môi trường và đẩy mạnh công tác giáo dục về nếp sống vệ sinh cho các gia đình nông thôn nghèo nhất và các dân tộc thiểu số bị thiệt thòi. UNICEF hỗ trợ Chính phủ tiến hành các nghiên cứu và điều tra về tình trạng nhiễm thạch tín và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm thiểu nguy cơ nhiễm thạch tín, xây dựng công tác theo dõi chất lượng nước ở cấp cộng đồng trên cơ sở áp dụng rộng rãi bộ kiểm tra chất lượng nước thuận tiện cho người sử dụng, đồng thời tăng cường các hoạt động phối hợp trong khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia giảm thiểu nguy cơ nhiễm thạch tín.
Mục tiêu 2012
Theo kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2012, ưu tiên các vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, vùng thường xuyên hạn hán, khó khăn về nguồn nước, lũ lụt, vùng nguồn nước bị ô nhiễm (Asen,...). Chú trọng tới người nghèo, tăng kinh phí cho những nơi mà độ bao phủ về cấp nước và vệ sinh đối với người nghèo thấp hơn độ bao phủ bình quân; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện mục tiêu cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế...
Mục tiêu kế hoạch đặt ra là năm 2012, 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 57% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 39% số hộ gia đình ở nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 88% trường học mầm non, phổ thông và 92% trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt.
Về khối lượng công việc thực hiện, năm 2012 cấp nước hợp vệ sinh tăng thêm khoảng 1,2 triệu dân; nhà tiêu hợp vệ sinh tăng thêm khoảng 320.000 hộ gia đình; công trình cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế tăng thêm khoảng 800 công trình.
Trên cơ sở kết quả mục tiêu cần đạt được năm 2012, khả năng cân đối các nguồn lực, tổng nguồn vốn đầu tư cần huy động khoảng 6.6000 tỷ đồng.
Trước đó, tại Diễn đàn về Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới, hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh ở 63 huyện nghèo; Quyết định 167 về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Nghị định 80 về định hướng giảm nghèo bền vững; Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Nghị định 41 về tín dụng nông thôn… Đây là những thuận lợi cơ bản, góp phần thúc đẩy việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phát triển.
Sau 2 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào rộng khắp cả nước, bước đầu huy động được sự tham gia của người dân và cộng đồng. Chuyển biến đáng kể nhất là số hộ dùng nước sạch tăng khoảng 8%; việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã được đặc biệt chú trọng; nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 30%...
Về mục tiêu của chương trình từ nay đến năm 2012, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, Chánh văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cho biết: “Thứ nhất, các Bộ ngành sẽ hoàn thành hướng dẫn cho các xã xây dựng nông thôn mới theo phân công của Chính phủ từ nay đến cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Thứ hai, phải củng cố nâng cao chất lượng ban chỉ đạo các cấp bằng cách tập huấn bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, hoàn thành công tác quy hoạch, trong đó đặc biệt là cuối năm 2011 này phải xong 50% số xã hoàn thành quy hoạch và đến 2014 phải hoàn thành 100% số xã”.
Thái Bảo