Nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật
Chính trị - Ngày đăng : 20:21, 02/03/2016
Các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự Hội nghị.
Đẩy mạnh hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương, đánh giá cao Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trong nhiệm kỳ qua đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, với tinh thần đoàn kết, hợp tác, tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch nước khẳng định: Việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đi đôi với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam, hướng tới chân, thiện, mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là sự nghiệp hết sức quan trọng và lâu dài. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đồng đã kế thừa tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Trung ương và Bộ Chính trị, góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch nước, mặc dù trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng công tác tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật vẫn còn những tồn tại, phức tạp. Vì vậy, trong nhiệm kỳ mới, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cần kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tăng cường tập hợp, động viên các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật; có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận.
Chủ tịch nước lưu ý Hội đồng cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, cơ chế, phương thức hoạt động, triển khai tốt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Kết luận, Chỉ thị của Ban Bí thư, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật, hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để đất nước ngày càng phát triển một cách an toàn, bền vững.
Cho ý kiến về xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa của Hội đồng, đồng chí Thế Huynh đề nghị thông qua việc tổng kết nhiệm kỳ qua, Hội đồng cần đúc rút những kinh nghiệm, kiến nghị những giải pháp nhằm thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động; trên cơ sở đó trình Ban Bí thư quyết định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Hội đồng nhiệm kỳ Đại hội XII. Hội đồng cần tập hợp, đoàn kết, huy động đông đảo các cơ quan nghiên cứu, các nhà lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn nghệ Việt Nam.
Về phương thức hoạt động của Hội đồng trong nhiệm kỳ mới, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là nơi tập hợp các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, nhất là đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ, là địa chỉ tin cậy về văn hóa - văn nghệ, Hội đồng cần trân trọng tài năng, nhân cách, phát huy thế mạnh của từng thành viên trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, Hội đồng cần phối hợp tốt hơn nữa với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật, các cơ sở đào tạo, các cơ quan báo chí để tập hợp lực lượng tham gia công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá các hoạt động, các công trình tác phẩm lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật.
Thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật của đất nước
Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, được sự quan tâm thường xuyên của Thường trực Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban chức năng, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt được những kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật của đất nước trong tình hình mới, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của Hội đồng. Hội đồng đã chủ trì nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Nhà nước ''Lý luận văn nghệ ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển'' nhằm nghiên cứu, tổng kết toàn diện quá trình hình thành, phát triển của thực tiễn lý luận văn nghệ ở Việt Nam, đặc biệt là lý luận văn nghệ từ đầu thế kỷ XX đến nay; đánh giá thành tựu, hạn chế và đề xuất những vấn đề đặt ra trong thực tiễn lý luận ở Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng luận cứ khoa học và định hướng phát triển lý luận văn học nghệ thuật ở Việt Nam.
Thông qua các cuộc khảo sát tình hình văn học, nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài của Hội đồng đã góp phần giúp các cấp, các ngành nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật; đẩy mạnh ''Chương trình hành động'' của Tỉnh ủy, Thành ủy thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về văn học, nghệ thuật; tạo niềm tin và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ trong hoạt động phát triển văn học, nghệ thuật. Từ đó, Hội đồng đã có văn bản, tư vấn, kiến nghị với Đảng và Nhà nước để hoàn thiện đường lối, thể chế hóa thành luật, cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Hội đồng đã chủ động tham mưu, góp sức đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; tích cực bám sát thực tiễn đời sống văn nghệ, kịp thời chỉ ra ưu điểm và nhất là những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong giảng dạy, nghiên cứu văn học nghệ thuật, trong hoạt động sáng tác, lý luận, phê bình, quảng bá, xuất bản, phát hành, trao thưởng.
Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, sáng tạo, nhiệm kỳ mới, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công hai mục tiêu lớn: Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam, hướng tới chân, thiện, mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ lý luận, phê bình phát triển cả về số lượng và chất lượng, bao gồm các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có lòng yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần trực tiếp bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách cho các thế hệ con người Việt Nam.