Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam: Địa chỉ tin cậy về trợ giúp pháp luật miễn phí cho mọi người
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 06:24, 27/05/2017
Phát biểu tại đại hội, bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho biết, Hội được thành lập ngày 6/5/2011 theo quyết định số 1012/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Qua 5 năm hoạt động, Hội đã phát triển được một mạng lưới các Trung tâm ở nhiều địa phương (18 Trung tâm trực thuộc và 1 Hội địa phương tại 11 tỉnh, thành phố) trên địa bàn cả nước. Hội đã tiếp nhận, giải quyết trên 5500 vụ việc tư vấn pháp luật và trên 320 vụ đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam luôn được các cấp chính quyền, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ nên đã phát triển được mạng lưới các đơn vị trải dài tại nhiều địa phương. Hội được nhân dân và cán bộ ở các địa bàn tin tưởng, là một địa chỉ tin cậy về trợ giúp pháp luật miễn phí cho mọi người, đặc biệt là những đối tượng chính sách, người nghèo, người có công và những nhóm yếu thế trong xã hội. Hội cũng được nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông, báo chí, các nhà tài trợ quan tâm, ủng hộ, tin tưởng và tạo điều kiện để Hội ngày càng phát triển cả về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ.
Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam phát biểu tại đại hội
Qua 5 năm tổ chức, hoạt động, hiện nay Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam có trên 650 hội viên và trên 800 cộng tác viên tại các Đoàn Luật sư, các Sở tư pháp, các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là Trợ giúp viên pháp lý tại các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước ở các địa phương như: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Giang, Gia Lai, Phú Yên, TP.Hồ Chí Minh, Sơn La, Lào Cai, Thái Bình, Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng... Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đã tham gia đại diện, bào chữa; tư vấn pháp luật tiền tố tụng và tư vấn pháp luật phổ thông cho hàng nghìn người; tham gia truyền thông, hỗ trợ pháp luật cộng đồng; bảo trợ tư pháp; tổ chức hội thảo; tham gia ý kiến vào các văn bản pháp luật; hoạt động tham vấn tại địa phương. Hiện tại, Hội đã đặt mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, cơ quan báo chí và các Hội nghề nghiệp- xã hội… để tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến bảo trợ tư pháp cho người nghèo, nghiên cứu khoa học, tư vấn pháp luật có liên quan
Đối với hoạt động hợp tác quốc tế, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác với một số tổ chức quốc tế thông qua việc ký kết hợp tác chuyên gia và tham gia các hoạt động Dự án, nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thiện pháp luật về đất đai, lao động, an toàn giao thông, lao động di cư như: Oxfam Novib, UNAids, UNWomen, UNODC, ILO, JPP, JIFF, GFCD, UPF, GIG, WHO... Hội đã tổ chức thực hiện nhiều dự án một cách có hiệu quả như: Dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và mở rộng cơ hội được giúp đỡ pháp lỷ miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiếu sổ và nhóm yếu thế khác”; “Nghiên cứu cơ chế giải quyết khiếu nại của người lao động nước ngoài”; “Tăng cường cưỡng chế thực hiện quy định vể đội mũ bảo hiểm xe máy cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên tại Việt Nam”; “Xây dựng và vận hành Trung tâm tư vấn pháp luật và vận động chính sách”; “Hỗ trợ pháp lý trực tiếp cho nạn nhân bị mua bán hoặc thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ tại cộng đồng”… Toàn bộ kinh phí dự án đều được chi cho các hoạt động của từng dự án và đã được kiểm toán từ các nhà tài trợ theo đúng quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Quang cảnh Đại hội lần II Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam
Tại Đại hội lần II, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2017-2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho toàn nhiệm kỳ. Các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ mới, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tập trung kiện toàn tổ chức, tăng cường hoạt động chuyên môn, đẩy mạnh truyền thông, mở rộng hợp tác quốc tế phấn đấu xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò để phấn đấu trở thành lực lượng nòng cốt trong hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, giúp đỡ mọi người tiếp cận pháp luật, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.