Tổng Bí thư phải là nhà lãnh đạo xứng tầm, tiêu biểu nhất cho toàn Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 16:28, 19/01/2016
Việc bầu cử tiến hành tôn trọng quyền của đại biểu và Đại hội
Vấn đề nhân sự của Đại hội Đảng lần thứ XII đã được ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trao đổi khá kỹ với PV tại họp báo mới diễn ra. Theo ông Vĩnh, thông tin về quá trình chuẩn bị để trình Đại hội XII đã được thực hiện rất sớm, đúng quy trình, quy định của Đảng, tuân thủ Điều lệ Đảng.
Ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (Ảnh: Tri Thức)
Theo đó, từ tháng 9/2013, sau khi thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội, các công việc về nhân sự đã bắt đầu được triển khai. Đến tháng 4/2015, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã thông qua phương hướng về công tác nhân sự Trung ương khóa XII.
Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo các Tỉnh/Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương, bộ ngành làm các quy trình, đề cử, giới thiệu nhân sự để đưa vào danh sách đề cử nhân sự Trung ương khóa XII.
Cũng theo ông Vĩnh công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội XII được tiến hành rành mạch khoa học và chặt chẽ. Cụ thể, Ban chấp hành Trung ương đã họp 3 hội nghị xem xét về công tác nhân sự. Hội nghị Trung ương 12 họp quyết định nhân sự mới được giới thiệu tham gia lần đầu vào Ban chấp hành. Hội nghị Trung ương 13 xem xét nhân sự tái cử đối với các ủy viên. Hội nghị Trung ương 14 xem xét các trường hợp đặc biệt ở cả Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Ví dụ, Hội nghị Trung ương 14 xem xét các trường hợp đặc biệt là các đồng chí quá tuổi trong phương án nhân sự. Qua thảo luận dân chủ, bỏ phiếu kín, đề xuất, giới thiệu, Trung ương thể hiện sự tập trung rất cao với các phương án. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị bàn bạc, bỏ phiếu kín và quyết định.
Đối với việc xin rút hay không xin rút, thì các đồng chí đều xin rút hết. Nhưng rút hay không do Ban chấp hành quyết định. Hội nghị trung ương 14 quyết định cho rút theo nguyện vọng, sau đó mới có đề cử các vị trí nhân sự cho khóa XII.
Tại Đại hội sẽ xem xét theo quy trình tương tự. Với những người chưa được Trung ương giới thiệu, Đại hội sẽ quyết định giới thiệu hay không để đưa vào danh sách bầu. Có thể nói, việc bầu cử tiến hành dân chủ và thực sự tôn trọng quyền của đại biểu và Đại hội.
Nói thêm về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cũng cho biết, theo phương án của Trung ương thông qua trình Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương khoá mới sẽ có 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết. Tuy nhiên, con số chính thức chỉ có được sau khi Đại hội tiến hành bầu.
“Việc rút khỏi danh sách giới thiệu để Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII sẽ được Đoàn Chủ tịch Đại hội xem xét, đề xuất Đại hội quyết định”, ông Mai Văn Chính khẳng định.
Ban Chấp hành sau khi được bầu sẽ họp phiên thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra và báo cáo Đại hội.
Không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng cử
Cũng tại cuộc họp báo thông tin về Đại hội Đảng lần thứ XII, giải đáp câu hỏi của PV về việc sau Hội nghị Trung ương 14 kết thúc, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin nêu rất cụ thể về danh sách 4 ứng cử viên cho 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước mà chúng ta hay gọi là "Tứ trụ”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết:
"Đúng là trên mạng có thông tin về các lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta, tuy nhiên chúng ta không nên căn cứ những thông tin trên mạng để suy diễn công tác nhân sự của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi công tác nhân sự của Đại hội XII Đảng Cộng sản được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, đúng quy trình và quy định của Đảng. Việc nhân sự Ban Chấp hành Trung ương các vị trí chủ chốt, quan trọng sẽ được công bố khi có kết quả bầu cử theo đúng quy định của Đại hội".
Để độc giả có cái nhìn rõ nét hơn về việc những nhân sự được biểu quyết tại Hội nghị Trung ương 14 sẽ được xem xét như thế nào tại Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Nguyễn Đức Hà - hàm vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương trao đổi trênTiền Phong cũng khẳng định: Vừa rồi Trung ương mới chỉ quyết định giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện ứng cử, tức là có danh sách đề cử ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ông Nguyễn Đức Hà - hàm vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương
Tuy nhiên, căn cứ vào đó Đại hội XII sẽ tiếp tục đề cử, ứng cử. Như thế bỏ phiếu quyết định trúng hay không trúng vẫn là Đại hội, chứ không phải cứ Trung ương giới thiệu là đã trúng, vì bầu có số dư.
Và số dư đối với Ban Chấp hành Trung ương đưa ra để bầu tại Đại hội được theo ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết tại họp báo theo quy định là không quá 30% để bầu cử tập trung. Nếu giới thiệu quá con số 30% thì Đại hội sẽ bỏ phiếu để chốt lại danh sách, ai cao hơn sẽ giữ trong danh sách đó.
Kỳ vọng vào chức danh Tổng Bí thư
Liên quan đến việc bầu nhân sự chủ chốt, đặc biệt đối với chức danh Tổng Bí thư, ông Lê Quang Vĩnh – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, trong tiêu chuẩn chọn ứng viên Tổng Bí thư khóa XII tại Hội nghị Trung ương 14 vừa qua, tiêu chuẩn được coi là quan trọng nhất đó là: Tổng Bí thư phải là người tiêu biểu nhất cho toàn Đảng, phải là nhà lãnh đạo xứng tầm. Không có giới hạn về tuổi đối với chức danh này.
Để việc bầu ra nhân sự đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn, GS Hoàng Chí Bảo – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đã phát biểu trên Vietnam+: “Người lãnh đạo và tập thể lãnh đạo cũng như các cơ quan lãnh đạo của Đảng ta và Nhà nước ta hiện nay phải thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, xã hội và phải có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực, trí tuệ cộng cả phong cách và phương pháp hiện đại để có đủ sức dẫn dắt cả xã hội, nhân dân đi tới mục tiêu đã định.
GS Hoàng Chí Bảo – Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương
Phẩm chất và nhân cách của nhà lãnh đạo thời hiện đại, thời đổi mới hiện nay khác trước nhiều. Mỗi một giai đoạn lịch sử có một yêu cầu riêng về con người
Bác Hồ đã đúc kết, “Dĩ công vi thượng” tức là việc công, việc Đảng, việc dân, việc nước đặt lên trên hết, hy sinh cá nhân mình đi.
Để làm được điều đó đòi hỏi người lãnh trọng trách phải có bản lĩnh, phải có dũng khí vượt qua danh lợi. Đây là “gót chân Asin” của con người, mà lãnh đạo cao mấy thì cũng là con người cả thôi. Cái hơn nhau là ở chỗ anh có vượt qua được điểm yếu chí tử này hay không.
Cái phức tạp và lắt léo là ở chỗ, có những vị nói là thương dân nhưng trong hành động thực tế thì lại vì chính bản thân họ nhiều hơn. Không hiếm đâu. Dân họ biết cả đấy. Người ta gọi đó là sự giả dối, thậm chí có thể nói một thứ cơ hội.
Thực tiễn đòi hỏi người cầm trịch phải có tài năng, tài năng này không đo bằng học vấn mà đo bằng hiệu quả việc làm, bằng cách thức giải quyết công việc, bằng những tác động nhằm tạo ra hiệu ứng xã hội, đem lại lợi ích cho người dân. Và phải phải có khả năng tháo gỡ những trói buộc, những rào cản nhằm thúc đẩy phát triển.
Một nhà lãnh đạo mà chúng ta cần lúc này phải là người có tư tưởng sáng suốt, có thể rung chuyển cả xã hội nhất là ở thời điểm bước ngoặt.
Nói một cách ngắn gọn, hình mẫu người đứng đầu phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra cho Việt Nam theo GS Hoàng Chí Bảo: Người đó phải có bản lĩnh, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Phải có một niềm tin kiên định thì mới có thể đóng góp vào sự phát triển chung của cả xã hội.
Nói thêm về vấn đề tuổi tác của người được bầu giao trọng trách Tổng Bí thư sắp tới, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Ta đang có xu hướng trẻ hóa lãnh đạo, cái đó rất tự nhiên và hợp thời. Nhưng không nên quên một điều rằng tuổi trẻ không đồng nhất với tư duy trẻ trung, tuổi già cũng không đồng nhất với sự lão hóa về mặt trí tuệ. Trẻ hóa là cần thiết vì nó tăng sinh lực cho cơ quan lãnh đạo nhưng phải đảm bảo trình độ, độ chín muồi đến mức nào đó, những trải nghiệm cuộc sống cá nhân trong thực tiễn sâu sắc đến mức khi anh vào đến cương vị anh không đưa ra những quyết định sai lầm hoặc là hạn chế, giảm thiểu nhất những sai lầm có thể có, nó thuộc về kinh nghiệm sống, vốn sống.
Với hơn 40 năm tuổi Đảng, ở góc độ nhấn mạnh yếu tố con người, đặc biệt coi trọng vai trò của người lãnh đạo GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương bày tỏ:
Việt Nam giờ cần có sự ổn định. Nhưng phải là ổn định lành mạnh. Dù còn nhiều khó khăn nhưng dư địa phát triển của chúng ta vẫn còn nhiều lắm. Vấn đề là định hướng, điều hành chính sách sao cho phát triển lành mạnh, bền vững. Điều đó tùy thuộc rất lớn vào người lãnh đạo. Tôi kỳ vọng Đại hội Đảng XII sẽ tìm ra những nhà lãnh đạo giữ trọng trách hội đủ ba tố chất: Thứ nhất, hơn bao giờ hết, phải coi lợi ích dân tộc là số một; thứ hai, có bản lĩnh, dám đương đầu, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm; thứ ba, trung thực với chính mình, trung thực với dân tộc.