Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 20:37, 08/10/2015

Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đang bàn về nhiều nội dung, trong đó công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đây cũng là vấn đề được nhân dân cả nước quan tâm.

Xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện

Về nội dung chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ở vòng 1, vòng 2 đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự; các tổ công tác làm nhiệm vụ theo dõi, chứng kiến việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, trách nhiệm cao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Ủy viên Trung ương Đảng bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thảo luận và đóng góp ý kiến. Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường họp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo.

Phát huy vai trò của người dân

Trên nhiều diễn đàn khác nhau, nhiều vị nguyên là lãnh đạo cao cấp đã bàn thảo và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xung quanh nội dung quan trọng này. Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam nêu ý kiến tại Hội nghị góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, do MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 3/10 tại Hà Nội rằng: “Trước khi làm nhân sự BCH T.Ư khóa mới, nên có kênh nào đó để quần chúng nhân dân góp ý, giới thiệu cho Đảng. Có thế mới lựa chọn được cán bộ tốt, xứng đáng”.

Dự thảo văn kiện cần chú trọng nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội. “Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân”, ông Duyệt góp ý.

Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị.

Cùng quan điểm này, ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nói: “Chúng ta nói chưa gần dân và đã kiểm điểm rất nhiều lần nhưng vẫn chưa làm tốt. Tôi nghĩ bây giờ phải lắng nghe và phải thật lòng với dân, nói đi đôi với làm, không lãng phí và phải trung thực. Những đòi hỏi bản chất đó phải bằng sự gương mẫu của chính đội ngũ cán bộ Đảng viên khi tiếp xúc với dân. Tự Đảng phải kiểm điểm, đánh giá và đề cao vai trò gương mẫu của mình trước nhân dân là những yếu tố cần thiết để dân tin và dân lắng nghe”.

Một vấn đề được quan tâm hiện nay là nạn “chạy chức chạy quyền”, ông Lê Truyền nói: Nếu “mua quan, bán chức”, buôn bán quyền lực xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả làm suy yếu hệ thống công chức. Phải làm rõ việc này trong Trung ương khóa tới. Trong dự thảo báo cáo có nêu nhận định, Đảng ta đã chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương. Tuy nhiên đây mới chỉ là nêu ra vấn đề chứ chưa có lời giải đáp.

Theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương: “Cơ chế thị trường định hướng XHCN là đúng đắn và phải làm như thế mới khiến cho sự nghiệp đổi mới của chúng ta tiến lên được, nhưng đằng sau nó rất phức tạp, là mối quan hệ hàng hóa, vật chất làm lu mờ tai mắt của người cán bộ. Phải làm sao để khắc phục được mặt trái cơ chế thị trường trong công tác cán bộ, đây là một câu chuyện rất phức tạp nhưng chúng ta phải kiên quyết làm”.

Ông Lê Quang Thưởng đề xuất Đảng và Nhà nước phải thường xuyên bổ sung chính sách, cơ chế để quản lý cho tốt, để khắc phục những lệch lạc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo và quản lý. Bên cạnh đó, kỷ luật trong Đảng và Nhà nước phải thật nghiêm minh; những người có công phải được khen thưởng đúng mức; người có tội, có khuyết điểm phải xử lý nghiêm túc.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhân tài trẻ không thiếu nhưng tỉ lệ người trẻ tham gia cấp ủy không đạt được tỉ lệ theo yêu cầu... Ông cho răng: Việc cán bộ trẻ được bầu vào cấp ủy đạt tỉ lệ thấp, không  phải là do thiếu những người trẻ, năng lực yếu và không đủ tiêu chuẩn. Lỗi này thuộc về các cấp ủy, đặc biệt là những người đứng đầu các cấp chưa phát hiện ra họ, chứ không phải thiếu người tài.

“Và người cán bộ cũng phải biết liêm sỉ. Tức là khi được lãnh đạo giao cho mình đảm nhiệm một công việc, chức vụ nhưng tự cảm nhận là không làm được thì nên từ chối. Và trong quá trình làm việc, phụ trách lĩnh vực nếu để xảy ra sai phạm, thiếu sót trong lĩnh vực phụ trách thì nên thực hiện văn hóa từ chức” – ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Cùng với không tham vọng quyền lực và không có lợi ích nhóm, cán bộ tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ mới phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lợi ích dân tộc, sống gương mẫu, không tham nhũng và được quần chúng tin yêu”.

 

Đỗ Huyền