Doanh nghiệp thép “kêu”

Chính trị - Ngày đăng : 10:47, 13/04/2012

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo dự trữ lưu thông bắt buộc đối với một số mặt hàng thiết yếu. Một trong các mặt hàng này là thép và phôi thép.

Tuy nhiên, Dự thảo này gặp phải sự phản ứng khá quyết liệt từ các doanh nghiệp thép trong nước.

Theo quy định của bản Dự thảo, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép và 3-5% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước. Giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra…

Lập luận được Bộ Công Thương đưa ra là để góp phần bình ổn thị trường thép, việc quy định dự trữ lưu thông bắt buộc đối với phôi thép là cần thiết. Hiện nay, phôi thép sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, 40% còn lại vẫn phải nhập khẩu và giá thép trong nước chịu ảnh hưởng nhiều từ biến động giá phôi thép trên thế giới. Phôi thép là nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 80% trong việc hình thành giá thép thành phẩm.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phản ứng rằng, dự thảo này không phù hợp với quy luật thị trường, không có lợi cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những năm gần đây trên thị trường chưa bao giờ thiếu thép xây dựng. Tiêu thụ thép 5 năm gần đây chỉ chiếm 50-60% tổng công suất của các doanh nghiệp. Hàng tháng, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đều dự trữ 500.000 tấn phôi thép, 300.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể phôi và sản phẩm thép tồn ở các công ty thương mại. Như vậy, lượng phôi và sản phẩm tồn cao hơn nhiều so với mức quy định dự trữ trong dự thảo.

Dự thảo quy định giá bán hàng dự trữ của doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường 10% cũng không thực tế bởi người tiêu dùng không được hưởng giá rẻ khi sản phẩm đến tay họ phải qua rất nhiều khâu trung gian.

VAS cho rằng, nếu giữ lại 5% hay 10% hàng, khi bị lỗ vì giá xuống thì ai chịu cho doanh nghiệp?

Mới đây, VSA đã có công văn gửi Bộ Công Thương, đề nghị Bộ này kiến nghị Thủ tướng những biện pháp hữu hiệu để bình ổn thị trường, tránh những biện pháp can thiệp hành chính với doanh nghiệp thép, nên để việc phân phối thép vận hành theo cơ chế thị trường hơn là lựa chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối dự trữ hàng hóa và phân phối theo “mệnh lệnh” của Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp “kêu” là chuyện của họ. Kêu vậy nhưng khi thị trường cần thì không thấy doanh nghiệp hỗ trợ người tiêu dùng. Lý do dự trữ, nếu thuyết phục thì cứ làm, bởi với môi trường tự do cạnh tranh thì chẳng phải lo khâu trung gian ăn chặn mất phần trợ giá.


Trung Nguyễn

congly.com.vn