Trụ sở TANDTC: Sự kết nối giữa bảo tồn và phát triển
Tòa án - Ngày đăng : 09:00, 26/02/2023
Từ công trình kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia
Trụ sở cũ của TANDTC tọa lạc giữa vị trí trung tâm của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, trên khu đất vuông vắn có diện tích 13.916m2, với chiều ngang là 113,6m và chiều dọc 122,5m. Mặt trước hướng Nam là đường Lý Thường Kiệt (trước đây là Đại lộ Boulevard Carreau); phía sau hướng Bắc là đường Hai Bà Trưng (trước đây là Đại lộ Boulevard Rollandes); hướng Tây là phố Hỏa Lò, hướng Đông là phố sách Hà Nội.
Trụ sở TANDTC trước đây là một tòa nhà thuộc Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp, được xây dựng vào năm 1897 trong khu thành cổ, do kiến trúc sư người Pháp Auguste Henri Vildieu thiết kế. Công trình hiện vẫn còn tồn tại trên phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Đây cũng là một trong những công trình kiến trúc công cộng theo phong cách tân cổ điển đầu tiên ở Hà Nội.
Đầu thế kỷ 20, khi người Pháp tiến hành công cuộc xây dựng, mở mang Hà Nội nhằm biến nơi đây thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của toàn Liên bang Đông Dương, các công trình công cộng theo phong cách tân cổ điển được xây dựng rộng rãi. Một trong những công trình tiêu biểu là trụ sở TANDTC (Thời Pháp gọi là Palais des Justices) trên đường Lý Thường Kiệt ngày nay.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giới thiệu sơ lược về trụ sở và hoạt động của TANDTC với Đoàn Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng đến thăm TANDTC
Trụ sở TANDTC có thiết kế sơ bộ từ năm 1900, đến năm 1905 được duyệt kinh phí trên cơ sở thiết kế được chấp thuận. Năm 1906 công trình bắt đầu xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1911. Trước đây, người Pháp xây dựng tòa nhà này để làm công sở cho cơ quan xét xử. Và hơn 100 năm qua, công trình vẫn được sử dụng đúng theo công năng sử dụng khi xây dựng ban đầu.
Công trình luôn được đánh giá là tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật đẹp của Việt Nam, được bố cục quy hoạch theo quan niệm “Thành phố - Vườn” thịnh hành thời Pháp thuộc, có hình khối bề thế, uy nghi và mang đậm nét đặc thù là trụ sở của cơ quan tư pháp cao nhất của Việt Nam. Công trình thuộc danh mục 41 công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 xếp loại I.
Công trình khi mới đưa vào sử dụng không có hàng rào bảo vệ, chỉ có cây xanh và tuyến đường đi bao quanh. Trong quá trình sử dụng, người Pháp đã tiến hành tu bổ, cải tạo một số hạng mục như cải tạo tầng áp mái thành phòng lưu trữ hồ sơ; sửa chữa mái nhà; rải đá đường đi khuôn viên; xây dựng hàng rào bê tông xung quanh.
Hình khối kiến trúc của công trình được thiết kế theo dạng đối xứng kiểu mặt gương qua trục trung tâm với việc sử dụng tỷ xích lớn tạo ra một khối tòa nhà hình chữ H rất đường bệ và trang trọng. Khối trung tâm được thiết kế với bộ mái nhô cao, được đỡ bởi hàng cột theo thức cột Doric La Mã (thức cột Doric là một trong ba cột cơ bản và được sử dụng nhiều nhất trong hệ thống thức cột cổ điển của kiến trúc Hy Lạp cổ đại, hai cột còn lại là Ionic và Corinth.
Thức cột Doric được xem là thức cột được tạo ra đầu tiên, vào khoảng thế kỉ 4 trước Công nguyên và hoàn thiện vào thế kỷ 5), kết hợp với hai cầu thang ngoài hình chữ L được trang trí cẩn trọng tạo ra điểm nhấn làm tăng tính oai vệ của tòa nhà. Đây không chỉ là nét độc đáo của công trình so với các tòa nhà tân cổ điển ở Hà Nội mà cũng là nét độc đáo khi so sánh với các Toà án theo phong cách tân cổ điển ở chính nước Pháp.
Với phương cách bố cục hình khối kiến trúc theo phong cách tân cổ điển một cách chuẩn mực cùng các hình thức trang trí được cân nhắc kỹ lưỡng, ngày 13/12/2019, trụ sở TANDTC đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia.
Hiện nay, Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở TANDTC số 48-48A Lý Thường Kiệt đang được triển khai với mục tiêu trùng tu, tôn tạo, bảo tồn trụ sở TANDTC tại 48 Lý Thường Kiệt, phát huy những giá trị nổi bật của công trình Pháp cổ, đảm bảo điều kiện vật chất cho hoạt động của TANDTC; tạo không gian tổng thể có tính thống nhất giữa thành phần trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và xây mới cảnh quan, sân vườn nâng cao hiệu quả sử dụng trụ sở, bảo tồn kiến trúc lịch sử, đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
Về mặt lịch sử, nhìn vào những bản đồ mặt bằng tổng thể năm 1929 và năm 1950, TANDTC được quy hoạch với cấu trúc luôn có một trục đối xứng qua công trình chính và phần sân vườn cảnh quan. Học hỏi những kinh nghiệm quy hoạch của người Pháp cho Hà Nội, trong những quy hoạch đầu tiên, thành phố Hà Nội được thiết kế như một “Thành phố Vườn” với rất nhiều không gian cây xanh tạo bóng mát. Trong khuôn viên TANDTC, ở phía đông từ đường Lý Thường Kiệt đến Hai Bà Trưng, người ta đã tạo ra một khu vườn hình chữ nhật với hàng cây xung quanh…
Ý tưởng tổng thể về cảnh quan là tạo ra hệ thống sân vườn đăng đối, giữ lại các cây lớn, tôn tạo và vận dụng các không gian cảnh quan trong quy hoạch của người Pháp, điển hình là hai cột tháp nến phía lối vào chính.
Thực hiện dự án, vừa qua, TANDTC đã tiến hành cải tạo phía trước trụ sở 48 Lý Thường Kiệt thành một công viên nghỉ ngơi với rất nhiều cây xanh, dọc theo các tuyến cây là các hàng ghế ngồi. Công viên được trồng 60 cây hoa ban do Tỉnh ủy Sơn La tặng, biểu trưng cho 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân Thủ đô mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Đây cũng là loài hoa tượng trưng cho Việt Bắc, nơi căn cứ địa khi quân dân Thủ đô rút quân lên... Trong khuôn viên cũng được trồng 30 cây phong linh vàng. Đây là loài cây có màu hoa đẹp rực rỡ tạo điểm nhấn riêng cho cảnh quan trụ sở TANDTC.
Phía Phố sách Hà Nội là hạng mục Mỹ thuật điêu khắc trang trí cảnh quan kết hợp ý nghĩa tưởng nhớ đến những đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh trong đợt phát động Toàn quốc kháng chiến chống Pháp ngày 19/12/1946. Hạng mục Mỹ thuật điêu khắc trang trí cảnh quan với ý tưởng chính là một con đường dốc xuống và một lối dốc lên, mỗi đường dốc sẽ có 30 bậc, tổng cộng 60 bậc tượng trưng cho 60 ngày đêm chiến đấu “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” của quân dân Hà Nội kể từ ngày 19/12/1946.
Khi đi qua các bậc thang này, người tham quan sẽ được nhìn thấy một bên là bức tường gắn mảng trang trí kiến trúc tạc đá với nội dung từ những bức ảnh nổi tiếng trong Chiến dịch năm 1946. Nội dung lịch sử được trình bày theo tuyến thời gian, để người xem dễ dàng tiếp cận được các thông tin về 60 ngày đêm khói lửa, về một khoảng thời gian lịch sử bi tráng của người Hà Nội nói riêng và cả dân tộc nói chung…
Đến công trình điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô Hà Nội
Để tiếp tục nâng cao vị thế của Tòa án, xứng tầm là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các năm tiếp theo, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã quyết tâm xây dựng trụ sở mới trên khuôn viên mảnh đất này, ngay sau tòa nhà Pháp cổ mặt đường Lý Thường Kiệt.
Được triển khai xây dựng từ 17/9/2019, với tiến độ đặt ra là sau 12 tháng phải hoàn thành công trình, tuy nhiên, ngày 23/01/2020, khi Việt Nam phát hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên, kể từ đó đánh dấu cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chính thức bắt đầu, việc xây dựng trụ sở gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, sau 399 ngày đêm thi công liên tục, với tinh thần đoàn kết, ý chí và lòng quyết tâm, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức TANDTC và các nhà thầu liên quan đã vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng đại dịch Covid-19, thi công xây dựng công trình bảo đảm tuyệt đối an toàn, hoàn thành đúng tiến độ đạt chất lượng cao và được nghiệm thu, đưa vào sử dụng vào ngày 19/10/2020.
Trụ sở mới của TANDTC
Tòa nhà mới trụ sở TANDTC được xây dựng trên khu đất với diện tích 6,417.4 m2 , diện tích xây dựng 2,715 m2 (trong khuôn viên tổng thể 13.916m2) với 04 tầng hầm và 06 tầng nổi. Tổng diện tích sàn 22,432 m2 (không bao gồm diện tích 04 tầng hầm).
Mặt bằng tòa nhà mới được tổ chức hợp khối hình chữ U, với 02 cánh được trải dài về phía sau tạo quảng trường cây xanh phía trong. Phong cách kiến trúc của tòa nhà mới phù hợp với kiến trúc của tòa nhà 48 Lý Thường Kiệt do người Pháp thiết kế, xây dựng, tạo thành một quần thể thống nhất, có sự giao thoa giữa kiến trúc cũ và kiến trúc mới. Hai tòa nhà đều được thiết kế đối xứng qua trục trung tâm, tạo sự cân bằng, mặt đứng các công trình mang phong cách tân cổ điển, với tổ hợp không gian kiến trúc tiện nghi đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của công trình hiện đại mang tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phía đông khu vực tầng hầm của tòa nhà được sử dụng là nơi để xe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động TANDTC. Phía tây tầng hầm được bố trí làm kho lưu trữ của TANDTC. Bên cạnh khu để xe và kho lưu trữ có bố trí các phòng kỹ thuật của tòa nhà.
Khu hội trường lớn được bố trí tại tầng hầm B2, thông lên tầng hầm B1 của tòa nhà, có sức chứa 590 người. Hội trường được trang trí với điểm nhấn là mái trần có họa tiết bắt mắt, được tạo ra bởi các khung hình tròn tỏa ra từ 02 giếng trời có hệ thống kính cản sáng tự động, lấy ánh sáng tự nhiên từ Vườn Công lý. Với thiết kế đặc biệt, đẹp và hiện đại bậc nhất Việt Nam, hội trường bảo đảm tổ chức các cuộc họp của hệ thống Tòa án cũng như các cuộc họp quan trọng trong nước và quốc tế. Hội trường được dẫn lối lên sảnh chính của tòa nhà bằng hệ cầu thang bộ được thiết kế hiện đại, với ý tưởng từ hệ cầu thang của tòa nhà Pháp cổ mặt đường Lý Thường Kiệt.
Khu vực lối vào sảnh chính của tòa nhà mới được thiết kế theo lối mở, với những hàng cột giống với hàng cột theo thức Doric La Mã của tòa nhà Pháp cổ. Sảnh chính được gọi tên là “Sảnh Công lý”. Sảnh Công lý được thiết kế với không gian mái vòm đặc biệt, bao quanh bởi 6 cột phía trước, 6 cột phía sau và 4 cột giả hai bên, tạo nên vẻ đẹp, hiện đại và sang trọng, là điểm nhấn nổi bật của tòa nhà. Từ mặt đường Hai Bà Trưng nhìn về phía tòa nhà mới, xuyên qua Sảnh Công lý hiện đại, tráng lệ, giữa những hàng cột là hình ảnh mặt sau cổ kính của tòa nhà Pháp cổ.
Sảnh Công lý thông ra tòa nhà 48 Lý Thường Kiệt là một khu vườn có tên “Vườn Công lý”. Đây là khu vườn kết nối giữa hai tòa nhà, mang ý nghĩa là gạch nối giữa hiện tại và quá khứ. Khu vườn này được bao quanh bởi 02 toà nhà với điểm nhấn là đài nước có chữ “Tâm” thư pháp màu vàng ở giữa, cùng với bia đá khắc ghi 07 chuẩn mực đạo đức của người Thẩm phán, với ngụ ý mỗi ngày cán bộ, Thẩm phán, công chức Tòa án nhìn vào đó mà triển khai thực hiện nhiệm vụ với tấm lòng vàng và giữ vững cái tâm nghề nghiệp.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với Đoàn TANDTC Lào
Trong Vườn Công lý trồng hai cây tùng, một cây do Chủ tịch Quốc hội và một cây do Chánh án TANDTC trồng. Hình ảnh hai cây tùng giữa Vườn Công lý thể hiện sự chính trực, kiên cường, sức sống mãnh liệt, đây cũng là hình tượng của người quân tử, hiên ngang giữa đất trời. Hai bên đường giữa tòa nhà Pháp cổ và tòa nhà mới là hàng cây lớn, trong đó bên cạnh những cây mới có cây sấu và cây long não là những cây cổ thụ lâu năm trồng trong khuôn viên trụ sở, trong quá trình xây dựng tòa nhà mới được ươm giữ và trồng lại khi tòa nhà mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với hàng cây lớn là những khu vườn với những thảm cỏ xanh tạo nên một không gian xanh tự nhiên, yên tĩnh trong khuôn viên trụ sở Tòa án.
Phía đông tầng 01 của trụ sở mới gồm 03 Phòng xử án của Hội đồng 05 Thẩm phán TANDTC. Phía tây là phòng khánh tiết và khu vực thư viện, nơi đón tiếp khách đến thăm và làm việc tại TANDTC được thiết kế và bài trí sang trọng, lịch sự. Cùng với một số họa tiết trang trí bên ngoài tòa nhà và các phòng họp nhỏ, tường phòng xét xử và phòng khánh tiết được trang trí bởi các khung gỗ với những họa tiết được lấy theo họa tiết chính của tòa nhà Pháp cổ mặt đường Lý Thường Kiệt, tạo nên phong cách vừa hiện đại, vừa có tính kế thừa kiến trúc của tòa nhà cũ.
Phòng họp bầu dục tại tầng 05 của tòa nhà là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC. Vị trí cao nhất tại tầng 06 của tòa nhà được bố trí là phòng xử của Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC. Đây là một phòng được thiết kế đặc biệt với phần trần chính là đỉnh mái vòm của tòa nhà, được lợp kính trong suốt, lấy ánh sáng tự nhiên với ý nghĩa việc xét xử của Tòa án là công khai, minh bạch, có sự chứng giám của trời đất. Đan xen giữa các phòng với công năng sử dụng chung là các khu làm việc của các đơn vị thuộc TANDTC…
Công trình được đầu tư đồng bộ từ thiết kế tới nội thất, các chi tiết khác của công trình đều được tính toán tỉ mỉ, cẩn thận để phù hợp với yêu cầu, tính chất công việc của Tòa án, cũng như công năng, tiện ích cho người sử dụng. Công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã bảo đảm chỗ làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đồng thời góp phần phát triển không gian kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển thành phố Hà Nội.
Sự phối kết hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh giữa tòa nhà Pháp cổ và tòa nhà mới xây dựng của trụ sở TANDTC đã tạo thành một quần thể các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử, vừa thể hiện sự uy nghiêm, lộng lẫy, vừa gần gũi với nhân dân, xứng tầm là vị trí trung tâm của hệ thống tư pháp, là biểu tượng của cơ quan xét xử cao nhất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.