Người phụ nữ Thái Lan được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng

Môi trường - Ngày đăng : 07:40, 22/04/2015

Xinh đẹp, thông minh, mẹ từng là niềm mong ước của nhiều chàng trai trong vùng, thế nhưng, trái tim người con gái thuở 16 đã trao trọn cho chàng trai nước Việt.

Mối tình của cô gái Thái và chàng trai Việt

Bà Khăm Xóm Chèm Chăn (SN 1921) (còn có tên Việt Nam là Tống Thị Hiền) vốn là con gái thứ 3 trong gia đình có 12 người con ở xứ Xà Vàng, Xà Cồn, Thái Lan. Năm 16 tuổi, bà làm giáo viên mầm non gần nhà. Xinh đẹp, thông minh nên người con gái này được rất nhiều trai tráng trong vùng theo đuổi. Thế nhưng bà đã dành trọn trái tim cho chàng trai Việt Nam tên Tống Văn Hiền (SN 1921).

Lúc đó, ông Hiền theo anh em sang Thái mưu sinh và làm nghề thợ may. Cảm mến chàng trai hiền lành này, bà Hiền thường qua lại trò chuyện. Ba năm sau, khi bà Hiền tròn 19 tuổi, hai bên gia đình quyết định tác hợp cho đôi trẻ. Sau đám cưới, hàng ngày chồng đi may, vợ vừa dạy học và làm thêm ruộng nương. Năm 1960, Đảng và Bác Hồ có chủ trương vận động kiều bào ở Thái Lan về quê xây dựng quê hương. Lúc này, vợ chồng ông Hiền đã sinh được 6 người con.

Người phụ nữ Thái Lan được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng

Chân dung mẹ Việt Nam anh hùng Tống Thị Hiền

“Cuộc sống của chúng tôi ở Thái đã ổn định nhưng biết ông ấy luôn canh cánh việc hồi hương nên tôi rất lo lắng. Nếu chuyển đi thì tôi không có việc làm, không biết tiếng Việt và phải xa anh em bạn bè bên đó. Sau này, tôi hiểu ra rằng “thuyền theo lái, gái theo chồng” nên ông ấy và con đi đâu thì tôi sẽ ở đó”, bà Hiền nhớ lại.

Năm 1961, cả gia đình ông Hiền về Việt Nam và sinh sống tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1962, một lần nữa vợ chồng ông Hiền bồng bế nhau lên Nghĩa Đàn dựng nhà ở bên bờ sông Hiếu làm ăn. Nhiều lần sơ tán khỏi bom đạn của giặc, năm 1964, vợ chồng ông bà về xóm Đồng Lầy, thị trấn Thái Hòa (nay là khối Đồng Tâm 2, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) sinh sống.

Không biết tiếng Việt, bà Hiền đi đâu, làm gì đều phải nhờ chồng, con phiên dịch hộ. Về sau, thấy bất tiện, bà Hiền quyết tâm sẽ học tiếng Việt. Hàng ngày, bà Hiền cắt cỏ cho trâu, bò và ai thuê gì thì làm nấy, còn chồng tham gia HTX Xe Trâu. Năm 1967, khi đã thành thạo tiếng Việt bà Hiền được mọi người trong xóm tin tưởng bầu làm xóm trưởng.

Người phụ nữ Thái Lan được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng

Mẹ Hiền bên di ảnh của anh Tống Văn Xiên

Dù nói thành thạo tiếng Việt, nhưng bà Hiền không biết viết chữ Việt, trong mỗi cuộc họp, người cán bộ này phải viết bằng chữ Thái rồi dịch lại cho mọi người hiểu. Bà Hiền chia sẻ: “Sang Việt Nam tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Nói tiếng Việt, ăn mặc theo phong cách Việt, sống theo phong tục, tập quán người Việt. Đôi lúc nhớ gia đình, bạn bè ở bên Thái nhưng không có điều kiện để về. Tôi coi nơi đây là đất nước thứ hai sinh ra mình vì vậy tôi nguyện hết lòng vì đất nước này”.

Sự hi sinh thầm lặng

Năm 1963, anh Tống Văn Hiếu- người con đầu của vợ chồng bà Hiền lên đường nhập ngũ. Năm 1965, anh Hiếu hy sinh ở Rú Nài thuộc địa bàn Hà Tĩnh. Nhớ về anh bà Hiền khóc: “Ngày con lên đường tôi để dành được 10 đồng, dúi vào tay nó để khi cần dùng đến nhưng nó nhất định không nhận. Nó bảo mẹ và các em ở nhà còn khó khăn để đó phòng lúc cần sẽ dùng đến. Lúc lên đường nó chỉ xin chiếc khăn Thái mà bà ngoại tặng cho tôi để làm kỉ niệm. Thế mà nó đi mãi, đến lúc hy sinh cũng không về thăm bố mẹ và các em được lần nào”.

Mấy năm sau, gia đình không nhận được tin tức gì của anh Hiếu, thì anh Tống Văn San lại tiếp bước anh tòng quân ra trận. Năm 1969, gia đình bà Hiền nhận được giấy báo tử của anh Hiếu. Cũng trong năm ấy, ông Hiền đổ bệnh rồi qua đời, khi người con út mới tròn 9 tháng tuổi.

Con mất, chồng mất, bà Hiền đau đớn đến ngã quỵ. Năm 1970, anh Tống Văn Xiên người con thứ 3 của bà Hiền lại tiếp bước anh. Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì năm 1972, người mẹ này nhận được thông tin anh Xiên đã hy sinh tại chiến trường Lào.

Người phụ nữ Thái Lan được công nhận mẹ Việt Nam anh hùng

Ngôi nhà tình nghĩa nơi mẹ Hiền đang sống để thờ cúng chồng, con

Trong số 8 người con thì mẹ Hiền có đến 5 người tình nguyện vào chiến trường để bảo vệ đất nước. Hai người hi sinh, 3 người còn lại là anh Tống Văn San, Tống Văn Ước và Tống Thị Nang đều là sỹ quan về hưu, khiến người mẹ này rất đỗi tự hào. “Mất con ai mà không đau, nhưng ở thời điểm đó nhà nào cũng vậy. Những đứa con trai tráng, thanh niên lên đường ra trận để bảo vệ đất nước người về cũng có, nhưng người hi sinh cũng nhiều. Con tôi hi sinh trong sự nghiệp bảo vệ đất nước khiến tôi rất tự hào”, bà Hiền nghẹn ngào.

Năm 1983, bà Hiền nghỉ làm xóm trưởng. Năm 1994, người phụ nữ này được chính quyền xây dựng cho ngôi nhà tình nghĩa. Từ đó, bà Hiền sống trong ngôi nhà đó thờ cúng chồng con. Ông Tống Văn Ước (SN 1960) con trai thứ 6 của mẹ cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về mẹ, mẹ đã vì bố mà xa quê hương của mình sang đây thế này. Mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc cho bố và chúng tôi. Không những vậy mẹ nhiều năm làm cán bộ được nhiều người yêu quý, tôn trọng. Bản thân tôi mang trong người hai dòng máu Việt – Thái nên tôi cũng muốn được về quê ngoại ở Thái Lan để thăm hỏi anh em họ hàng”.

Bây giờ phần mộ của liệt sỹ Tống văn Hiếu và Tống Văn Xiên đã được quy tập về nghĩa trang liệt Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An) và nghĩa trang liệt sỹ thị xã Thái Hòa. Năm nay bà Hiền 94 tuổi và 55 sống ở Việt Nam nhưng bà chỉ về Thái được 2 lần để thăm hỏi người thân. Tháng 11- 2014, bà Tống Thị Hiền được công nhận là mẹ Việt Nam anh hùng. 

Theo Anninhthudo.vn