Hà Nội khai trương không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận
Đời sống - Ngày đăng : 21:00, 30/12/2022
Tuyến phố đi bộ có chiều dài khoảng 1.600m, tổng diện tích sử dụng khoảng 109.300m2. Trong giai đoạn 1, không gian đi bộ hoạt động từ thứ 7 đến Chủ nhật hằng tuần và các ngày lễ, sự kiện theo kế hoạch. Giờ hoạt động mùa Hè từ 7h30 thứ 7 đến 24h Chủ nhật. Mùa Đông từ 8h thứ 7 đến 24h Chủ nhật. Các dịp lễ hoặc khi có sự kiện đặc biệt sẽ được thông báo trước về kế hoạch tổ chức.
Phát biểu khai trương không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết: Trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt, nhiều năm qua, quận Hai Bà Trưng đã chuẩn bị nhiều phương án, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để có thể tổ chức không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận.
Không gian phố đi bộ đi vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của khu vực Công viên Thống Nhất, hồ Thuyền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp khu vực Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” tạo ra khu vực văn hoá cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của nhân dân, từ đó phát triển thương mại, du lịch dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy di sản văn hoá của dân tộc.
Để không gian phố đi bộ duy trì hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, UBND quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục hoàn chỉnh thiết kế đô thị, đầu tư nâng cấp chỉnh trang cảnh quan, định hình không gian giao lưu văn hóa, ẩm thực đặc sắc, góp phần thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến với quận Hai Bà Trưng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận sẽ là nơi gắn kết các hoạt động văn hóa, cảnh quan với công viên Thống Nhất. Việc tổ chức không gian đi bộ theo hướng kết nối toàn bộ các khu vực vui chơi giải trí xung quanh hồ Thiền Quang gắn với Công viên Thống Nhất tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng, cộng hưởng giá trị, tạo sự gắn kết giữa hai không gian sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực..., phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu vực, kích cầu phát triển kinh tế, trong đó có phát triển mô hình kinh tế đêm.
Để triển khai hiệu quả phố đi bộ thời gian tới, ông Dương Đức Tuấn đề nghị quận Hai Bà Trưng tiếp tục nỗ lực chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố quán triệt chủ trương phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển đô thị, gắn với kinh tế đô thị là trung tâm, trong đó phát triển văn hóa và dịch vụ văn hóa theo hướng chuyên nghiệp văn minh hiện đại, chất lượng và hiệu quả chú trọng du lịch cộng đồng, đặc biệt phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa quan trọng.