Vai trò là huyết mạch nền kinh tế, nhiệm vụ của ngành ngân hàng rất nặng nề trong năm 2023

Chính trị - Ngày đăng : 14:52, 28/12/2022

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
vai-tro-la-huyet-mach-nen-kinh-te-co-vai-tro-rat-nang-ne-trong-nam-2023.jpg
Thủ tướng: Mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, sáng nay (28/12), Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra và kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong năm 2022, đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước.

Bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống, công khai, minh bạch

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, ngành ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cố gắng hơn nữa về công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ, phối hợp giữa các chính sách, giữa các ngân hàng thương mại; hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn có rủi ro; chuyển đổi số cần nỗ lực hơn nữa…

Điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, lạm phát và tăng trưởng, lãi suất và lạm phát

Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Thủ tướng cơ bản đồng ý với báo cáo của NHNN và ý kiến của các đại biểu về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, đồng thời lưu ý thêm một số nội dung trọng tâm.

Theo đó, NHNN cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.

Cùng với đó, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường, củng cố công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, tham mưu kịp thời, ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy thị trường tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, khắc phục các sơ hở, hạn chế bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Các ngân hàng thương mại cần tích cực tham gia công tác này bằng việc chỉ ra các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động để các cấp có thẩm quyền xử lý. Nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Tiếp tục phấn đấu đi đầu trong cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các quy trình, thủ tục về tín dụng, ngân hàng, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận ngày càng dễ dàng hơn dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp hơn.

Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng các lĩnh vực rủi ro. Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi giữa các chủ thể. Củng cố, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát.

Ngành ngân hàng cần nỗ lực giữ vững vị trí là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan phấn đấu "phủ sóng" toàn bộ 266 thôn bản trên toàn quốc còn thiếu điện, thiếu sóng viễn thông trong năm 2023, ngành ngân hàng cũng cần nỗ lực tham gia thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các địa điểm này, cố gắng mỗi người dân có 1 tài khoản ngân hàng.

Cùng với đó, chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia, tổ chức tài chính quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội đối với chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng của NHNN. Tăng cường đào tạo, nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ nhân lực ngành ngân hàng.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

"Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, thực hiện có hiệu quả, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của ngân hàng, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân, để nhân dân hưởng thụ thành quả và tin tưởng vào hệ thống ngân hàng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Xuân Lan