Giải quyết kịp thời các vướng mắc về chế độ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người dân
Doanh nghiệp - Doanh nhân - Ngày đăng : 14:45, 02/11/2022
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua thực tiễn tìm hiểu, do những vướng mắc hiện nay liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật BHYT, Nghị định 146/2018/NĐ-CP còn có những quy định chưa thống nhất. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT theo phương thức giá dịch vụ y tế đang có vướng mắc.
Những vướng mắc này liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT. Qua thực tiễn, rất nhiều năm gần đây, các cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng các yêu cầu.
"Với vướng mắc này, hiện nay nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành ‘con nợ’, do các chi phí KCB chi ra chưa được thanh toán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho các cơ sở y tế và cũng là nguyên nhân gây tình trạng khó khăn khi mua sắm, đấu thầu, vì những khoản nợ với nhà thầu bệnh viên chưa thanh toán được", Bộ trưởng chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, người đứng đầu ngành y tế cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và BHXH Việt Nam sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Hiện, nghị định này đang được Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Trước khi nghị định này được ban hành, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí KCB BHYT để giải quyết khó khăn trước mắt trong thanh toán trong năm 2021. Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với BHXH Việt Nam để đưa ra những giải pháp tăng cường công tác kiểm soát chi phí KCB, hạn chế lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT để bảo đảm an toàn của quỹ BHYT.
Giải trình trước Quốc hội về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, có 2 yếu tố liên quan đến việc đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở KCB. Thứ nhất là vấn đề đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và thứ hai là việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở KCB.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện chính sách về BHYT đối với người dân vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại Quyết định số 861, các xã khu vực 3, khu vực 2 đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực 1 và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực 3, khu vực 2 kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Trong quá trình triển khai thực hiện, các chính sách liên quan đến BHYT của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nhận thức được vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành rà soát những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này, những vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ BHYT đối với người dân trong Quyết định 861 đã được tổng hợp, điều chỉnh. “Đối với tình trạng nợ đọng BHYT, có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật BHYT và Nghị định 146 còn quy định chưa thống nhất. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT theo phương thức giá dịch vụ y tế đang có thắc mắc. Vướng mắc liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT”- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và BHXH Việt Nam sửa đổi Nghị định 146, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí KCB BHYT để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021.
Về BHYT HSSV quy định tại Điều 12 của Luật BHYT, theo kế hoạch luật này sẽ được sửa đổi vào năm 2023, Bộ Y tế tổng hợp nội dung này trong quá trình sửa đổi luật.
Cũng tại phiên thảo luận chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế.
Bộ trưởng cho biết, tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế không chỉ xảy ra ở riêng Việt Nam. Việc chuyển dịch nguồn nhân lực y tế từ khu vực công sang khu vực tư nhân cũng đã xảy ra ở nhiều nước. WHO đã dự báo, hệ thống y tế toàn cầu sẽ thiếu khoảng 15 triệu nhân lực trong năm 2022.
Làn sóng chuyển dịch nhân lực y tế ở Việt Nam, bên cạnh những đặc điểm tương đồng với tình hình chung của thế giới, thì nước ta còn có những điểm đặc biệt như: Tỉ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với trung bình của thế giới (hiện nay nước ta mới chỉ có khoảng 10 bác sĩ và 13 điều dưỡng/10.000 dân), tình hình nhân y tế từ cơ sở công chuyển sang tư nhân tăng cao trong thời gian gần đây. Sự dịch chuyển của nhân viên y tế từ cơ sở công sang cơ sở tư nhân xảy ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến, từ y tế cơ sở đến các bệnh viện tuyến Trung ương, trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn, nhiều bệnh viện lớn.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan hỗ trợ cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi nghị định về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, sở y tế dự phòng.