Thủ tướng đề nghị Singapore nhân rộng và phát triển mô hình VSIP tại Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 09:38, 13/09/2022
Chiều ngày 12/9/2022, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi và mời Thủ tướng Lý Hiển Long thăm Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao chuyến thăm của Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt, khẳng định Singapore là một trong những đối tác rất hiệu quả và thực chất của Việt Nam ở khu vực, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo…
Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt chuyển lời của Thủ tướng Lý Hiển Long thăm hỏi và mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sớm thăm chính thức Singapore; cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long mong muốn thăm Việt Nam năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước; cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Việt Nam dành cho đoàn; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Singapore ở khu vực.
Thông báo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt bày tỏ ấn tượng với những biện pháp đồng bộ, tổng thể, quyết liệt mà Chính phủ Việt Nam áp dụng để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lành mạnh, bền vững, kiềm chế lạm phát. Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt khẳng định Chính phủ Singapore luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Việt Nam; các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đang và sẽ tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Singapore ngày càng sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt kinh tế tiếp tục là một trong những điểm sáng trong hợp tác khu vực. Bất chấp dịch bệnh COVID-19, thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng trên 23% so với năm 2020. Singapore đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan hữu quan hai nước cần tích cực hợp tác, tận dụng cơ hội mới cho quá trình cơ cấu lại chuỗi cung ứng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bảo đảm an ninh mạng trong quá trình phát triển kinh tế số.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các khu công nghiệp VSIP đã trở thành hình mẫu thành công trong hợp tác kinh tế hai nước; hoan nghênh sự hiện diện của các nhà đầu tư Singapore tại cả ba miền Bắc – Trung – Nam Việt Nam; khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Singapore hoạt động tại Việt Nam và đề nghị nhân rộng và phát triển mô hình VSIP theo hướng khu công nghiệp xanh, thông minh, công nghệ cao, sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Singapore tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế số, chuyển đổi số, năng lượng xanh, tài chính xanh, công nghệ thông tin, phát triển bền vững, tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ quản lý cho Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy các lĩnh vực và các vấn đề Việt Nam quan tâm nhằm gia tăng tin cậy chính trị và thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực hai bên có tiềm năng, thế mạnh, có thể bổ sung cho nhau, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0; đẩy mạnh các chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh, tăng cường trao đổi văn hoá, nghệ thuật và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Singapore phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước ASEAN duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982.