Hải Phòng: Kiên quyết giải tỏa toàn bộ hoạt động nuôi ngao trái phép
Kinh tế - Ngày đăng : 13:18, 06/09/2022
Thực trạng hoạt động nuôi ngao
Từ nhiều năm nay, hoạt động nuôi ngao của các hộ dân trên khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy là tự phát. Ban đầu, việc nuôi ngao tại các khu vực này có quy mô, diện tích nhỏ và sau đó tăng lên nhiều hộ, diện tích mở rộng.
Theo thống kê, hiện nay, có 28 hộ đang nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An với diện tích 726,36ha và 89 hộ trên địa bàn huyện Kiến Thụy với diện tích 2.557,5ha. Các hộ nuôi ngao tại 2 khu vực trên không chỉ là người thường trú trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy mà gồm nhiều người trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…
Qua rà soát của các địa phương cho thấy, tất cả các hộ nuôi ngao tại khu vực biển trên không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển. Do đó, các hộ dân này đã vi phạm các quy định về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển của Luật Thuỷ sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 và Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Ngoài bị xử lý VPHC, các hộ dân có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra là buộc di dời, tháo dỡ công trình nuôi thủy sản vi phạm; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm; buộc trả lại phần diện tích đất sử dụng không phù hợp; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đó. Trường hợp các hộ không tự di dời, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Với hoạt động nuôi ngao không phép, trước đây, các địa phương đều có văn bản yêu cầu các hộ dân dừng việc nuôi ngao. Tuy nhiên, các hộ dân không chấp hành mà tiếp tục tự ý quây bãi, mở rộng hoạt động nuôi ngao.
Ngày 22/9/2021, UBND thành phố ban hành Văn bản số 6761/UBND-KS yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được thành phố giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay gần 1 năm trôi qua, các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời.
Chồng lấn giữa các mỏ cát và khu vực người dân tự nhận nuôi ngao
Hiện nay, trên địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thụy, UBND thành phố đã cấp phép khai thác khoáng sản cát đối với 16 tổ chức cá nhân, trong đó: quận Hải An có 8 dự án của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản với 772,33ha; huyện Kiến Thụy có có 8 dự án được cấp phép khai thác với 760,53ha.
Việc UBND thành phố đã cấp các giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp đều đảm bảo quy định của Luật Khoáng sản. Việc cho thuê mặt nước, đất có mặt nước, giao khu vực biển đảm bảo theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên môi trường biển và Hải đảo.
Tuy nhiên, nhiều khu vực các hộ dân tự nhận nuôi ngao gây ra sự chồng lấn vào khu vực UBND thành phố đã cấp phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp, trong đó: quận Hải An có 3 mỏ có diện tích chồng lấn với hoạt động nuôi ngao (145,3ha/726,36ha); huyện Kiến Thụy có 6 mỏ có diện tích chồng lấn với hoạt động nuôi ngao (306,93ha/2.557,5ha).
Việc chồng lấn trên, khiến một số doanh nghiệp đã đủ điều kiện khai thác cát, nhưng không thể thực hiện khai thác do có sự cản trở của các hộ dân tự nhận nuôi ngao tại khu vực đã được cấp phép khai thác cát và khu vực luồng vào các mỏ cát.
Bất ổn kéo dài liên quan đến hoạt động nuôi ngao tự phát
Theo đại diện Bộ đội Biên phòng, quá trình các hộ dân tự ý quây bãi để nuôi ngao tự phát tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thụy đã làm phát sinh những một số tranh chấp như: giữa ngư dân khai thác hải sản tự nhiên tại ngư trường truyền thống với những người tự ý cắm cọc, vây bãi nuôi ngao; giữa chủ bãi nuôi ngao với nhau do tranh chấp diện tích; giữa người tự nhận nuôi ngao với doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát để phục vụ các dự án phát triển KT-XH thành phố.
Các mâu thuẫn, tranh chấp trên có nguy cơ mất an ninh trật tự khu vực, làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố Hải Phòng và hình ảnh của người dân địa phương. Ngoài ra, việc nuôi ngao không phép tại một số nơi đã làm cản trở việc đi lại của các tàu thuyền và công tác khảo sát, thăm dò, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã xử lý hàng chục vụ việc bắt nguồn từ hoạt động nuôi ngao trái phép, trong đó có nhiều vụ đã hoàn thiện hồ sơn ban đầu chuyển cơ quan Công an địa phương tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Cùng với việc cản trở công tác giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép, một số hộ dân liên tục có đơn gửi các cơ quan Trung ương và thành phố để khiếu nại, kiến nghị liên quan đến việc UBND thành phố có thông báo di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao trên. Đồng thời, đề nghị xem xét giữ nguyên hiện trạng và để các hộ dân tiếp tục sản xuất nuôi trồng thủy sản, đảm bảo ổn định đời sống.
Kiên quyết giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép
Theo ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng, hiện nay, nhiều dự án thành phố đã chấp thuận đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, đê biển và các dự án khai thác cát để phục vụ phát triển KT-XH không thực hiện được do có sự ngăn cản trái phép của một số hộ dân nuôi ngao tự phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố (nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài) và nhu cầu cát phục vụ các dự án phát triển thành phố.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp kiểm tra thực địa, tổ chức nhiều buổi đối thoại, làm việc với các hộ dân nuôi ngao và chỉ đạo kiểm tra, lập hồ sơ xử lý, thực hiện các biện pháp giải tỏa, khắc phục hậu quả theo quy định.
Đến nay, UBND quận Hải An đã hoàn thành di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao trái phép với 96ha thuộc mỏ khai thác cát của Công ty Tân Vũ Hải Phòng và cưỡng chế đối với 17 cá nhân nuôi ngao trái phép tại khu 161ha thuộc Dự án xây dựng Khu công nghiệp DeepC 2A theo quy định.
Ngày 27/6/2022, UBND quận Hải An đã cắm được 11 phao tiêu bao quanh khu vực biển khoảng 2.500ha; thiết lập hồ sơ, ban hành Quyết định xử phạt VPHC đối với 28 hộ nuôi ngao (diện tích 726,36ha) không phép.
Ngày 26/7/2022, có 15/28 hộ dân nuôi ngao với diện tích khoảng 107ha đã tự nguyện chấp hành quyết định cưỡng chế.
Đối với 13 hộ dân còn lại, UBND quận Hải An đã hoàn thiện hồ sơ cưỡng chế theo quy định. Thời gian cưỡng chế dự kiến từ ngày 8 đến ngày 10/9/2022.
Việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép khu vực biển huyện Kiến Thụy cũng đã được UBND thành phố chỉ đạo chuẩn bị cắm phao tiêu bao quanh; thiết lập hồ sơ xử phạt VPHC đối với các hộ nuôi ngao không phép và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định.
Việc các hộ đang nuôi ngao trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản, giao khu vực biển, cho thuê đất có mặt nước là vi phạm các quy định của pháp luật; ảnh hưởng tới hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, UBND thành phố chỉ đạo kiên quyết di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao trái pháp luật, lập lại an ninh trật tự tại khu vực này là đúng quy định pháp luật.
Để giải quyết nhu cầu tiếp tục nuôi ngao của các hộ dân, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất khu vực cho phép hoạt động nuôi ngao trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xem xét, thực hiện việc giao, cho thuê đất và khu vực biển để nuôi ngao theo đúng quy định pháp luật.