Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 16:13, 26/08/2022

Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Tại hội nghị, các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số tỉnh, thành phố đã chia sẻ về các khó khăn khi đưa chính sách hỗ trợ lãi suất vào thực tế.

kho-khan-goi-lai-suat-2.jpg
Ảnh minh họa.

Đó là các vấn đề liên quan đến việc xác định đối tượng thụ hưởng, điều kiện cho vay, loại tiền giải ngân, quy định phải có đăng ký kinh doanh của các hộ kinh doanh… Đặc biệt, tâm lý e ngại của khách hàng khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thì phải tuân thủ hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như tại VietinBank, nhiều khách hàng đăng ký hoạt động kinh doanh đa ngành nghề. Do đó, việc bóc tách xác định chi phí vốn vay rất khó khăn. Đồng thời, điều kiện trong Nghị định 31 là "phục hồi" khoản 4 Điều 3, ko có hướng dẫn cụ thể, đánh giá khả năng phục hồi như thế nào, dẫn đến mỗi ngân hàng áp dụng một điều kiện khác nhau.

Hay Ngân hàng MB đã khẩn trương ban hành quy định nội bộ, tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên, đến nay mới nhận được duy nhất một đề nghị từ phía khách hàng với tổng dư nợ 400 tỷ đồng, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 2,5 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TPBank đã phân loại khách hàng thuộc các nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất để chuyển về từng chi nhánh. Theo đó, TPBank đã tiếp cận 500 khách hàng nhưng số lượng khách hàng có đề nghị hỗ trợ khá thấp. Ngân hàng đang xem xét giải ngân cho gần 30 khách hàng, đã hỗ trợ 2 khách hàng và từ chối 6 khách hàng.

Cũng tại hội nghị, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các tỉnh đánh giá rằng do chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Hiện tại, báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt mới đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 khoảng 13,5 tỷ.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả. Đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ này.

Trang Nhi