Giải bài toán thiếu trầm trọng giáo viên, nhân viên quản lý ở Thanh Hóa
Giáo dục - Ngày đăng : 21:09, 26/07/2022
Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn, về việc thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, tín ngưỡng - tôn giáo, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông, thanh niên và trẻ em vào ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nêu rõ: Giai đoạn 2016- 2021, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực văn hóa - xã hội và có nhiều chính sách đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến; duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học. Văn hóa được quan tâm, có sự gắn kết để phát triển du lịch; công tác phục hồi, bảo tồn các di tích lịch sử được quan tâm; giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát triển; Nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhất là trong giai đoạn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các vấn đề khác có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, thiếu giáo viên, nhân viên quản lý, cơ sở vật chất, thiết bị trường học tuy được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay; một số địa phương việc quy hoạch quỹ đất, diện tích để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; hoạt động nhà văn hóa, phong trào văn hóa, văn nghệ chưa được duy trì thường xuyên, nội dung chưa phong phú, đa dạng; cơ sở vật chất thể dục, thể thao còn thiếu; một số công trình thể dục, thể thao xuống cấp, chưa đảm bảo tiêu chuẩn…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trao đổi, gợi mở một số giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà như: cần phải xem xét lại quá trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của học sinh trung học phổ thông; đồng thời nâng cao chất lượng đối với đội ngũ giáo viên thông qua các giải pháp như lan tỏa vai trò đầu tàu của những giáo viên dạy giỏi. Cùng với đó, tỉnh cũng cần quan tâm triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Quá trình giải quyết các bài toán về kinh tế thì cũng đồng thời quan tâm đến các bài toán về xã hội, đặc biệt là có giải pháp để sử dụng hiệu quả những lao động trở về sau xuất khẩu lao động. Trên cơ sở kiến nghị của địa phương sẽ báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo thống kê, Thanh Hóa đang thiếu 8.968 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý so với quy định của Trung ương. Trong đó, bậc mầm non thiếu 4.174 người, tiểu học thiếu 3.380 người, THCS thiếu 1.096 người, và THPT thiếu 318 người. Một số môn học hiện nay thiếu GV trầm trọng, như: âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh.
Thanh Hóa có tới 11 huyện miền núi nên cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Toàn tỉnh có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nhưng mới có 87,7% số phòng học kiên cố hóa; vẫn còn gần 500 trường học chưa đạt chuẩn quốc gia. Chế độ, chính sách cho giáo viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống đặc biệt trong thời điểm bão giá như hiện nay. Lực lượng giáo viên cắm bản khó khăn, thiếu thốn đủ bề bào mòn nhiệt huyết, sự yêu nghề. Không chỉ thiếu về số lượng, một phần giáo viên, nhân viên quản lý chưa đáp ứng được chất lượng chuyên môn.
Trao đổi với PV, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức cho hay: Thực trạng thiếu giáo viên, nhân viên quản lý ở Thanh Hóa đang là lớn nhất cả nước. Cái này do lịch sử để lại, một phần do công tác quản lý, bố trí, sắp xếp ở các địa phương chưa phù hợp. Trước mắt phải ưu tiên đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để ít nhất đạt được ngưỡng cơ bản. Nguyên nhân do giáo viên trước được đào tạo chuyên ngành, nhưng khi thực hiện chương trình giáo dục năm 2018 là tích hợp các môn học, ghép các môn có tính chất cơ học, nên gây khó khăn cho giáo viên, nhất là những người lớn tuổi. Trong thời điểm khó khăn thì các nhà trường, thầy cô giáo cũng phải thay đổi về tư duy, cách thức hoạt động. Cùng một giáo viên có thể dạy liên trường, tăng cường giữa các địa phương làm sao đảm bảo số tiết dạy. Vì khi học sinh được lựa chọn các môn học thì có thể năm nay thiếu nhưng năm sau lại thừa hoặc thiếu thừa ở từng địa phương khác nhau.
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì vẫn phải đảm bảo về số lượng, chất lượng, đảm bảo chế độ, cơ sở vật chất cho giáo viên, học sinh. Hiện nay Sở đang phối hợp với các địa phương và Sở Nội vụ, Tài chính để tổng hợp, rà soát báo cáo tỉnh cụ thể số lượng, số môn. Việc bổ sung biên chế thẩm quyền lại của Trung ương chứ các tỉnh không thể quyết định được. Mình thiếu thì báo cáo xin. Việc bổ sung số lượng giáo viên thiếu cũng không thể giải quyết ngay được vì số lượng ứng viên đáp ứng có hạn, theo bộ môn khác nhau. Vì vậy tỉnh cần có cơ chế đặt hàng tại các địa phương đang thiếu giáo viên, nhất là vùng khó khăn (hỗ trợ học phí, hỗ trợ khác, bố trí việc làm sau khi ra trường và người học phải cam kết cống hiến cho ngành giáo dục một thời gian nhất định). Hoặc có cơ chế thu hút nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng từ các địa phương khác.
Tại các vùng khó khăn (11 huyện miền núi) cần có thêm các cơ chế đặc thù hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông để học sinh đi học thuận tiện hơn. Thu hút được giáo viên lên vùng khó đã là một chuyện, giữ chân họ gắn bó với trường, với bản lại là một chuyện nan giải hơn. Đam mê, nhiệt huyết thì ai cũng có nhưng thanh xuân vốn ngắn, ai cũng có gia đình, ước mơ, ham muốn… Khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đồng lương ít ỏi, không đảm bảo được cuộc sống thì dễ sinh ra tâm lý chán nản, bỏ ngang làm việc khác. Hàng năm số lượng giáo viên chuyển ngành, nghỉ việc không phải là ít.
Vì vậy giải được bài toán thiếu giáo viên không phải ngày một ngày hai. Cần đồng bộ nhiều giải pháp để giáo viên sống thoải mái được với nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”.