ĐBQH băn khoăn về việc đưa phạm nhân ra ngoài trại giam lao động

Chính trị - Ngày đăng : 16:00, 03/06/2022

Tại phiên Quốc hội thảo luận sáng nay về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhiều đại biểu đã rất băn khoăn về vấn đề này.
202206030959302503_cqh_3267.jpg

Cần thiết để phạm nhân tái hòa nhập sau này

Qua thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đã có 2 luồng ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức thí điểm hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, việc này không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn nêu dẫn chứng, theo thống kê, tổng số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù khoảng 150.000 người, trong đó có tới 67% mới chỉ học hết cấp I, cấp II, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc là lao động tự do. Trung bình mỗi năm có khoảng 46.000 phạm nhân trong độ tuổi lao động ra trại, cho thấy nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Do đó, nếu như không tổ chức tốt việc lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy, các điểm lao động đều được xây dựng theo mẫu thiết kế của trại giam, nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh và tách biệt hẳn với khu dân cư. Kết quả thí điểm thì tại nhiều điểm lao động đã giúp đa dạng hóa các ngành, nghề như xây dựng, may mặc, cơ khí thay vì thuần túy chỉ là làm nông nghiệp. Tại nhiều điểm lao động còn tổ chức hội thi tay nghề giỏi, qua đó đã giúp cho các phạm nhân có các cơ hội để được học nghề, truyền nghề. Nhiều phạm nhân từ chỗ là không biết làm nghề gì đến nay đã có tay nghề vững vàng, nhiều phạm nhân đã được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm ngay sau khi ra trại.

Kết quả khảo sát của Bộ Công an cho thấy, hầu hết nạn nhân đều mong muốn thành thạo được một nghề để sau khi mãn hạn tù dễ tìm được việc làm. Đoàn công tác của chúng tôi khi đến khảo sát tại các trại thì nhiều phạm nhân đã tâm sự với chúng tôi rằng, ban đầu khi mới vào trại thì nghĩ cuộc đời đã đặt dấu chấm hết, nhưng với môi trường lao động tích cực, mỗi ngày tự tay làm ra nhiều sản phẩm, từ đó cũng đã quên đi sự chán nản và tìm được niềm vui trong lao động, mong sớm có một ngày trở về.

202206031001306308_4.-nguyen-thi-thuy-bac-kan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn tại phiên họp sáng nay 3/6.

Đồng tình ủng hộ ban hành nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn cho rằng: một số ý kiến e ngại việc tổ chức cho phạm nhân lao động, học tập, học nghề ngoài trại giam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn. Đây là những ý kiến lưu ý hết sức cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu như được Quốc hội thông qua.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, chỉ có 48,35% đồng thuận

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Bến Tre cho rằng: Việc thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là nội dung lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thi hành án, phạt tù và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận nội dung của dự án Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và cho ý kiến về điều khoản tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Kết quả có 48,35% tỷ lệ đại biểu Quốc hội đồng thuận nên không đưa nội dung này vào dự án luật.

Lần này, Chính phủ tiếp tục trình nội dung thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nên rất băn khoăn.

Thứ nhất, về cơ sở chính trị pháp lý, từ sau Luật Thi hành án hình sự ban hành năm 2019 đến nay chưa có văn bản nào có tính pháp lý cao hơn luật cho chủ trương nghiên cứu nội dung này. Theo liệt kê của Chính phủ thì chỉ là các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự 2019 mà luật này không có quy định về nội dung này.

202206031025581693_11.-tran-thi-thanh-lam-ben-tre.jpg
ĐBQH Trần Thị Thanh Lam - Bến Tre.

Thứ hai, công tác giáo dục, cải tạo lao động, dạy nghề đối với phạm nhân là trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thi hành án. Việc bố trí, sắp xếp cho lao động thường xuyên là trách nhiệm của trại giam, trong khi một số trại giam không hoặc khó có điều kiện liên kết hợp tác với doanh nghiệp để thực hiện nội dung này. Trong khi đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cũng có một số điều khoản cho ý kiến về tổ chức lao động cho phạm nhân. Kết quả ra sao và những bất cập chưa được Chính phủ đề cập đến.

Đại biểu cũng cho rằng, mục đích của cải tạo hình phạt là kết hợp trừng trị những hành vi của cá nhân đó gây ra cho xã hội và giáo dục cải tạo điều chỉnh nhận thức hành vi đó, chứ không đơn thuần là cải tạo môi trường lao động, tạo kỹ năng nghề cho việc tái hòa nhập cộng đồng.

Cho nên việc tổ chức hình thức lao động cho phạm nhân cần phải đảm bảo tính nhất quán của Nhà nước. Các bản án quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành. Mặt khác, họ là phạm nhân, là người có hành vi đe dọa, gây tổn hại đến lợi ích vật chất, tinh thần của người khác.

Trong khi hiện nay tình hình an ninh, trật tự theo báo cáo của ngành công an thì mặc dù có quản lý chặt chẽ nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri đều nghe phản ánh về tình hình trật tự, an ninh và cần phải được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong tình hình hiện nay. Việc đưa phạm nhân ra ngoài trại tạm giam lao động ít nhiều làm người dân lo lắng, hoang mang, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu dẫn chứng, theo báo cáo có khoảng 7.200 phạm nhân tham gia lao động tại 18 cơ sở, dự kiến 288 chiến sĩ quản lý. Tôi tạm tính mỗi cơ sở 400 lao động là phạm nhân, mỗi điểm sẽ có từ 13 đến 14 chiến sĩ để quản lý, theo dõi, sẽ rất không yên tâm.

Mặt khác, tại Điều 33, 34 của Luật Thi hành án hình sự 2019 đã quy định rõ hơn về điều kiện tổ chức lao động cho phạm nhân. Nội dung này tương thích với các quy định của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu một cách thấu đáo và quan tâm hơn trong việc rà soát, tập trung cải thiện các cơ sở tạm giam, đầu tư cơ sở vật chất khi đủ điều kiện thì tổ chức thực hiện lao động cho phạm nhân theo quy định mà Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã nêu, vừa giải quyết vấn đề bất cập hiện nay, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa, phát sinh.

Nguyên Bình