Chuyện của người đàn bà làm phiên dịch trong trại giam
An ninh trật tự - Ngày đăng : 11:01, 13/04/2012
Số phận thật đặc biệt đã đưa đẩy người đàn bà này vào trại giam, tình cờ như việc làm phiên dịch của chị ta vậy. Chỉ vì quá nể nang người hàng xóm mà Hồ Thị Lưu (ảnh), SN 1975, ở Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai đã phải trả một cái giá quá đắt.
Sinh ra ở Lai Châu, là con út nhưng Lưu không được may mắn lắm vì mới lẫm chẫm biết đi thì cha mẹ lần lượt dắt nhau qua thế giới bên kia. 5 anh chị em tự đùm bọc lấy nhau, sống bằng nghề trồng nương, hái củi, làm thuê, cuốc mướn. Khi đã rành mặt đồng tiền, Lưu không đi hái củi nữa mà ra chợ kiếm sống, chính vì thế mà tiếng của nhiều dân tộc từ Mường, Mán, Ủ Chu đến Tày, Nùng, thậm chí là tiếng Trung Quốc cô đều rất thạo.
Có ai ngờ rằng với vốn “ngoại ngữ” phong phú này, cuộc đời lại đưa đẩy Lưu vào trại giam để rồi gần 3 năm nay trở thành “thông ngôn”, giúp quản giáo phổ biến nội quy, giáo dục những phạm nhân là đồng bào dân tộc, mới vào trại, không biết tiếng Kinh. Hơn thế nữa, những ngày cuối tuần, Lưu lại được xếp ngồi trong phòng kín, nghe các cuộc trò chuyện của các phạm nhân với người nhà để xem họ có điều gì mờ ám, vi phạm pháp luật đang giấu giếm. Kể ra cũng thật trớ trêu.
Sau khi có chút vốn, Lưu theo chân một số người sang Trung Quốc mua đồ dân dụng về bán và những ngày lội sông qua biên giới ấy đã se duyên cho cô với một chàng trai ở huyện Bát Xát, Lào Cai. Từ ngày về Trịnh Tường làm dâu, Lưu vẫn theo nếp cũ đi buôn, còn chồng ở nhà đánh cá, làm ruộng, cuộc sống của hai người ngày càng khấm khá. Ba đứa con hai trai, một gái lần lượt chào đời, hạnh phúc tưởng không còn gì mong ước hơn, không ngờ…
Theo lời kể của Lưu thì một buổi chiều cuối tháng10-2004, sau khi cả nhà đang ngồi đếm tiền chị đi chợ về để tính lời lãi ra sao thì người hàng xóm tên Vinh chạy sang. Người đàn ông có nước da xanh mướt như ốm lâu ngày, vừa mới chuyển về làm hàng xóm của gia đình Lưu, rụt rè nhờ chị tới phiên sau, nếu có sang Trung Quốc thì mua hộ anh ta ít “thuốc tiêm” để dùng dần.
Theo lời người đàn ông này thì anh ta mắc một căn bệnh hiểm nghèo, không đủ tiền đi bệnh viện điều trị, chỉ có dùng những ống tiêm trên mới đỡ. Vinh nhờ Lưu mua hộ 3.000 ống và hứa sẽ trả công 1,5 triệu đồng. Lưu hỏi tên thuốc là gì để còn mua thì Vinh bảo cứ sang đó hỏi mua nước cất là người ta sẽ chỉ, ở bên đó bày bán đầy ngoài chợ. Đều là người thật thà, chất phác nên vợ chồng Lưu không biết đó là tân dược gây nghiện, chỉ những con nghiện nặng mới dùng vì vừa rẻ vừa đủ “đô” cho chúng nên khi Vinh nhờ, họ đã sốt sắng nhận lời. Vợ chồng bàn nhau thôi thì cứ giúp người ta trong lúc đau ốm, chưa cần lấy tiền vội, cứ bỏ vốn ra mua về cho anh ta rồi thanh toán sau.
Sáng hôm sau, vợ chồng Lưu hồ hởi chở nhau ra đường biên. Đến chợ, Lưu không đi mua hàng cho mình ngay mà việc đầu tiên là chị hỏi những người ngồi chợ xem nơi nào bán “thuốc tiêm” cho người ốm và rất ngạc nhiên khi biết thứ thuốc mình cần mua bày bán đầy rẫy trong chợ. Cầm ống thuốc mỏng mảnh trên tay, Lưu quyết định mua tạm 1.000 ống, còn bao nhiêu tiền mua hàng để mai ngồi chợ, phiên sau sẽ sang mua hộ tiếp.
Không hề hay biết nguy hiểm đang rình rập, sau khi đi chợ biên giới về, Lưu để gói ống tiêm ở chái nhà, định bụng nếu chẳng may mình không có nhà, người hàng xóm bệnh tật sang hỏi sẽ nhìn thấy ngay. Cơm nước xong, vợ chồng con cái dỡ đống hàng hoá mua được ra sắp xếp, chuẩn bị cho buổi đi chợ hôm sau, đang cười nói rổn rả thì một tốp cảnh sát xuất hiện. Tưởng có khách, Lưu mời họ vào nhà uống nước rồi hồn nhiên nhận gói ống tiêm để ở đầu hồi là của mình mua hộ anh hàng xóm. Bị bắt ngay lúc đó, Lưu ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì để rồi những ngày trong trại tạm giam, được các điều tra viên phân tích, cô đã khóc rất nhiều.
20 năm tù là cái giá người đàn bà nhẹ dạ phải trả cho sự thương người không đúng chỗ với Lưu có lẽ không đau khổ bằng hôm nhận được tin chồng báo lấy vợ mới. Trong thời gian 2 năm cải tạo ở Hải Phòng, một lần chồng lên thăm, đưa cả ba đứa con tới, thông báo tháng sau lấy vợ vì một mình anh ta không thể gánh vác hết việc nhà. Lưu bảo thân mình tù tội, phải chấp nhận thôi nên cố vớt vát là xin chồng hãy thương lấy ba đứa con, cố gắng cho chúng nó học hành đến nơi đến chốn kẻo theo vết chân của cha mẹ.
Sau lần đó, Lưu bặt tin gia đình mãi cho tới đầu năm vừa rồi, cô được chị gái tới thăm. Nghe chị thông báo con trai lớn của Lưu đã nghỉ học, đi làm, hai đứa nhỏ vẫn đi học, Lưu buồn lắm. Từ ngày lấy vợ mới nhưng phải người vợ không tần tảo, tháo vát thành ra bao vốn liếng mà Lưu gây dựng tan tành cả. Nghe chị gái kể, cô chỉ biết khóc.
Lưu bảo không tiếc số tiền của đã dành dụm bị người khác tiêu phá mà chỉ ân hận vì quá tin người làm các con khổ sở. Thương con, gửi thư về cho con nhưng chẳng bao giờ Lưu nhận được thư của chúng vì người mẹ kế cấm đoán, Lưu lấy công việc để quên đi. Thấy Lưu trò chuyện được với nhiều người dân tộc, Ban giám thị đã chuyển cô từ đội thêu ren sang đội phiên dịch.
Nhiệm vụ của Lưu là phổ biến nội quy cho những phạm nhân mới là người đồng bào thiểu số, không hiểu tiếng Kinh; gặp gỡ những người chậm tiến bộ, nói chuyện với họ, chưa kể việc hai ngày cuối tuần khi các phạm nhân trò chuyện với người nhà khi được thăm gặp, Lư phải nghe và kể lại với quản giáo những nghi vấn.
Vào đây, vốn “ngoại ngữ” này được phát huy tác dụng. Lưu bảo cô chẳng có bí quyết gì khi giáo dục phạm nhân mới vào, chỉ biết lấy gương mình ra kể để động viên họ. Mỗi lần như thế, Lưu lại khóc, những giọt nước mắt xót xa, ân hận và nuối tiếc. Trước khi chia tay, Lưu rụt rè nhờ tôi chụp cho một tấm hình, nhờ gửi về cho con trai. Mong sau này cậu bé, giờ đã 16 tuổi, đủ lớn để hiểu nỗi lòng của một người mẹ mà viết thư vào động viên.
Nguyễn Tiến