Bế mạc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 19:22, 26/04/2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: tại Phiên họp này UBTVQH đã cho ý kiến về 8 nội dung, trong đó có 5 dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình năm 2022.
UBTVQH cơ bản thống nhất với đánh giá và triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua, các nguyên tắc của dự kiến chương trình như đề cập trong Báo cáo của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết số 19 để bổ sung hai nội dung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 diễn ra vào tháng 5/2022.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp, UBTVQH đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác hoàn thiện thể chế, cho ý kiến kỹ lưỡng, thấu đáo những vấn đề quan trọng hoặc những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau trước khi trình UBTVQH và Quốc hội.
Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tăng cường trách nhiệm phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị dự án và dự thảo, thể hiện rõ chính kiến trong quá trình thẩm tra, kiên quyết không đề xuất trình những dự án, dự thảo không bảo đảm trình tự, thủ tục và hồ sơ, tài liệu theo quy định. Nội dung được đề xuất đưa vào chương trình phải được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động sâu sắc, toàn diện, đúng quy trình, quy định, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc là nhằm mục tiêu xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế, tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố đáng sống, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm khu vực châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng và an ninh đã được Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đề ra.
UBTVQH thống nhất bổ sung dự thảo nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba theo quy trình tại một kỳ họp. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, tờ trình và dự thảo nghị quyết, đánh giá toàn diện các chính sách đề xuất tác động đến kinh tế-ngân sách, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tính hợp lý, khả thi trong các quy định ưu đãi, đánh giá và làm rõ tác động lan tỏa vùng cũng như giá tr nhân rộng mô hình sau thời gian thí điểm kết thúc, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Liên quan đến 5 dự án luật: Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội lưu ý, UBVTQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực phối hợp, theo dõi, đôn đốc, bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung thực hiện các kết luận của UBTVQH về từng dự án, cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức.
Về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, Chủ tịch Quốc hội cho hay, UBTVQH cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện nghị quyết về thí điểm giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhất trí cho phép kéo dài thời gian thực hiện toàn bộ nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời yêu cầu Chính phủ sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định về xử lý nợ xấu trong năm 2023.
Còn về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, UBTVQH nhận thấy, mặc dù trong bối cảnh năm 2021 nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt nhiều kết quả tích cực, ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân được tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, các lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí và vi phạm, sai sót ở các mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài chính và ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên, khoáng sản.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo, trong đó cần lưu ý đánh giá cụ thể hơn về những kết quả nổi bật đã đạt được cũng như những hạn chế; rà soát nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021; bổ sung thêm địa chỉ các bộ, ngành địa phương, đơn vị thực hiện tốt và các bộ, ngành địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt theo 7 lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân; bổ sung số liệu, nêu rõ từng lĩnh vực phải có giải pháp quyết liệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Về công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội, UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022; nội dung báo cáo cơ quản đảm bảo chất lượng, chỉ rõ những vấn đề được cử tri và nhân dân đang băn khoăn, lo lắng; kết quả giải quyết trả lời của cơ quan có thẩm quyền về kiến nghị của cử tri. Đồng thời, đã nêu rõ địa chỉ cơ quan chưa trả lời đầy đủ. UBTVQH yêu cầu Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến hoàn thiện báo cáo, đồng thời tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trả lời đầy đủ kiến nghị cử tri và ý kiến của nhân dân; tham mưu triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo theo đúng kế hoạch.
Các đoàn ĐBQH tăng cường hoạt động nắm thông tin, tình hình và thu thập kiến nghị của cư tri, nhân dân trên địa bàn và tổng hợp đầy đủ và báo cáo dân nguyện hàng tháng. UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP HCM, Bình Định, Đắc Nông, Đồng Nai, Thái Bình, Ninh Bình... khẩn trương xem xét giải quyết một số khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài, có liên quan; chỉ đạo, phối hợp cơ quan chức năng phối hợp xử lý vi phạm, không để khiếu nại tố cáo phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.