Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi)
Chính trị - Ngày đăng : 18:53, 16/04/2022
Đề nghị điều chỉnh chương trình 17 dự án luật
Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2003, điều chỉnh chương trình 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023; điều chỉnh Chương trình năm 2022 đối với 17 dự án.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc điều chỉnh chương trình này dựa trên 3 nguyên tắc: Thứ nhất, ưu tiên đề xuất những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, ban hành kịp thời Chương trình, chính sách phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng cơ chế, chính sách cấp thiết nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19;…
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào một kỳ họp hoặc dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm; không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng chỉ trình bổ sung những dự án là kết quả của việc nghiên cứu, rà soát theo nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án. Đối với những dự án khác, chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn phát sinh, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết, kết luận mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thực hiện cam kết quốc tế hoặc dự án có ý nghĩa then chốt, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh, quá trình triển khai thực hiện chương trình, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường quán triệt và thực hiện nghiêm các yêu cầu tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị trong việc soạn thảo dự án phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể thực hiện thí điểm.
Đề nghị chỉ lùi 1 kỳ họp
Thảo luận về đề nghị này của Chính phủ, các đại biểu cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, về đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng Chính phủ không đề xuất thời hạn lùi cụ thể. Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần và lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư. Các đại biểu đề nghị chỉ nên lùi một kỳ họp để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.
Về viêc lùi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) một kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương; Quốc hội khóa XV cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này nên không lùi được.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và có nhiều cố gắng đổi mới. Chính phủ đã có nhiều phiên họp chuyên đề và có nhiều đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có nhiều đổi mới và bố trí các nội dung thảo luận về các luật, pháp lệnh kỹ lưỡng hơn.
Trước đó, Quốc hội cũng dành thời gian thảo luận về các luật, pháp lệnh có chất lượng, có đổi mới, tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức Kỳ họp bất thường bàn về các luật cấp bách. Do đó, số lượng luật được thông qua nhiều, chất lượng luật được nâng lên; phối hợp công tác giữa các cơ quan tốt hơn, giải quyết nhiều vấn đề mới, khó và cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ tiếp tục bổ sung vào Chương trình các dự án luật có tính cấp bách, rà soát 97/137 nhiệm vụ lập pháp chưa hoàn thành theo thời hạn. Đáng lưu ý, có những dự án luật rất cấp bách như: dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản, các luật về thuế. Một số luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp như: dự án Luật Điều tra hình sự; dự án Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Luật sư,…
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng Tờ trình và Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội kèm theo dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu hoàn thiện trình lãnh đạo Quốc hội.