Sẵn sàng cho các hoạt động Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 19:19, 05/04/2022
Về Đền Hùng vào những ngày này, các con đường từ thành phố Việt Trì tỏa ra các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, rồi chụm về Khu Di tích lịch sử như nhỏ lại bởi lượng xe và du khách ngày càng tăng. Dọc tuyến đường Hùng Vương lên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, cờ Tổ quốc, cờ hội, băng rôn cổ động rực rỡ sắc màu.
Ban đêm, khu vực công viên Văn Lang, đường Trần Phú, Nguyễn Tất Thành và Quảng trường Hùng Vương lấp lánh ánh đèn, cờ hoa rực rỡ chào đón ngày lễ lớn của cả dân tộc.
Phấn khởi và tự hào là dòng giống Tiên Rồng, ông Nguyễn Thanh Chương đến từ Bắc Ninh chia sẻ, sau hai năm dịch COVID-19, năm nay, ông cùng con cháu về đất Tổ thắp nén nhang thơm một lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên; cầu mong cho đất nước mãi trường tồn, con cháu sức khỏe, hưng thịnh vững bền...
Đền Hùng nay đã khác nhiều so với trước đây. Hệ thống đường xá, các công trình nhà trưng bày, lưu niệm trong khuôn viên Khu di tích được đầu tư, xây dựng khang trang, bề thế. Lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô hơn với không gian rộng lớn.
Anh Hoàng Phúc Kiến, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho hay, Đền Hùng có cảnh quan rất đẹp. Những con đường, bậc lên xuống từ cổng chính lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh sạch sẽ, thoáng đãng; an ninh trật tự, an toàn cho du khách được đảm bảo. Công tác phòng dịch COVID-19 ở đây được thực hiện khá tốt.
Ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa đài, các cán bộ của Khu Di tích thường xuyên nhắc nhở việc đeo khẩu trang, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Anh Hoàng hy vọng mỗi người dân về thắp hương Mộ Tổ đều nêu cao tính tự giác trong việc phòng chống COVID-19 để bảo vệ mình và cộng đồng.
Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng Lê Trường Giang, đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 10/3 Âm lịch) đã cơ bản được hoàn tất.
Từ chỉnh trang các đền, cảnh quan khuôn viên Khu Di tích, phòng, chống dịch đến đảnm bảỏ an ninh trật tự, an toàn thực phẩm... đã được đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai bài bản, hợp lý nhằm phục vụ tốt nhất đồng bào cả nước về Giỗ Tổ.
Bên cạnh đó, hiện nay các điểm thực hành tín ngưỡng, điểm hoạt động văn hóa dân gian cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc người dân về Giỗ Tổ được thành kính, trang nghiêm, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng mong muốn người dân cần bố trí thời gian thực hành tín ngưỡng hợp lý, tránh chen lấn, xô đẩy và thực hành tín ngưỡng không đúng với thuần phong mỹ tục.
Ông Giang cho biết thêm, những năm qua, Khu Di tích đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp trong công tác quản lý lễ hội, quản lý các hoạt động văn hóa để mọi hoạt động ngày càng quy củ, chặt chẽ, nền nếp.
Lễ hội Đền Hùng hàng năm luôn được đánh giá là một trong những lễ hội mẫu mực, quy mô, bài bản, trang nghiêm, thành kính ở phần lễ và phong phú, hấp dẫn ở phần hội. Năm nay, dự kiến lượng khách về Đền Hùng sẽ tăng cao so với hai năm qua. Đây là niềm vui rất lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của Ban Quản lý.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc; tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên.
Giỗ Tổ năm nay sẽ có các hoạt động phần lễ gồm Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch và lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong;" lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng diễn ra từ ngày 1- 5/3 Âm lịch do các địa phương chủ động, đảm bảo phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven Di tích được tổ chức từ ngày 7/3 Âm lịch.
Phần hội diễn ra các hoạt động truyền thống, được tổ chức ở quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, ngày 1/3 Âm lịch (tức ngày 1/4) tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng diễn ra hoạt động trưng bày chuyên đề "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Hội tụ và lan tỏa."
Ngày 3/3 Âm lịch (tức ngày 3/4) diễn ra lễ đón Bằng công nhận Lễ hội cướp bông ném chài Đền Vân Luông-Phường Vân Phú là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; ngày 6/3 Âm lịch (tức ngày 6/4) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống; trình diễn hát xoan làng cổ; múa rối nước.
Ngoài ra, nhiều hoạt động cũng được tổ chức nhân dịp này như biểu diễn nghệ thuật phục vụ các tour du lịch; Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ; lễ hội truyền thống đình Hùng Lô và lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia và Bằng công nhận Khu du lịch cấp tỉnh; chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội Đền Hùng gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.