Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, Mỹ và EU mạnh tay trừng phạt

Chuyển động - Ngày đăng : 11:41, 25/02/2022

Nhằm đáp trả quyết định ngày 24/2 của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tung đòn trừng phạt đối với Moscow.

Theo đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow.

“Hôm nay (24/2) tôi phê chuẩn lệnh trừng phạt bổ sung có tác dụng mạnh và các biện pháp hạn chế mới đối với những gì có thể được xuất khẩu sang Nga. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Nga phải trả giá đắt”, Sputnik dẫn lời Tổng thống Biden trong một bài phát biểu trước người dân Mỹ.

joe-biden.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow.

Theo Spunitk, Mỹ có ý định hạn chế khả năng kinh doanh của Moscow bằng đồng USD, đồng bảng Anh và đồng yên Nhật. Ngoài ra, Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ phong tỏa 4 ngân hàng lớn nhất của Nga, trong đó có VTB.

"Chúng tôi áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng Nga, những ngân hàng đang kiểm soát tổng cộng khoảng một nghìn tỷ USD. Chúng tôi sẽ cắt bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga hiện nắm giữ hơn một phần ba tài sản của các ngân hàng Nga, cắt bỏ khỏi hệ thống tài chính Mỹ", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, các biện pháp đó sẽ gây ra nhiều hậu quả hơn là việc Nga có thể bị ngắt kết nối khỏi Hiệp hội viễn thông Tài chính liên Ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Washington và các đồng minh sẽ hạn chế 50% việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Nga. Theo Tổng thống Biden, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến "khả năng hiện đại hóa ngành công nghiệp quân sự (của Nga) và gây thiệt hại cho ngành hàng không vũ trụ, bao gồm cả chương trình vũ trụ, gây thiệt hại cho ngành đóng tàu và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh tế".

Ngoài ra lệnh trừng phạt còn cấm công dân Mỹ mua trái phiếu mới của 13 doanh nghiệp: Sberbank, Gazprombank, Ngân hàng Nông nghiệp Nga, Gazprom, Gazprom Neft, Transneft, Rostelecom, RusHydro, Alrosa, Sovcomflot, Đường sắt Nga (Russian Railways), Alfa-Bank và Ngân hàng Tín dụng Moscow.

Trong khi đó, sau cuộc họp của Hội đồng châu Âu để thông qua các biện pháp trừng phạt chống Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm bán máy bay và thiết bị cho các hãng hàng không Nga.

eu-trung-phat-nga.jpg
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen

Chia sẻ trên mạng xa hội Twitter, bà Von der Leyen liệt kê các biện pháp trừng phạt cụ thể bao gồm:

“Thứ nhất, gói này bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 70% khu vực ngân hàng Nga và các công ty nhà nước chủ chốt, bao gồm cả các công ty quốc phòng. Thứ hai, chúng tôi tập trung vào năng lượng là lĩnh vực kinh tế trọng điểm đặc biệt mang về nhiều lợi nhuận cho nhà nước Nga. Lệnh cấm xuất khẩu của chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến ngành dầu mỏ, khiến Nga không thể hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu của họ. Thứ ba, chúng tôi cấm bán máy bay và thiết bị cho các hãng hàng không Nga”. Thứ tư, EU sẽ hạn chế Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn hoặc phần mềm tiên tiến. Và biện pháp thứ năm là hạn chế về thị thực.

Theo người đứng đầu EC, các nhà ngoại giao Liên bang Nga và các công dân có liên quan với họ, cũng như các doanh nhân, sẽ không còn được ưu tiên (cấp thị thực) vào các nước EU.

Bà Von der Leyen lưu ý rằng, gói các biện pháp trừng phạt có mục tiêu và quy mô lớn được thông qua cho thấy EU đoàn kết đến thế nào.

Trong một diễn biến liên quan, Thụy Sĩ ngày 24/2 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 3 ngân hàng Nga và hạn chế đi lại đối với 361 đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).

Tổng thống đương nhiệm của Thụy Sĩ kiêm Cố vấn Đối ngoại Liên bang Ignazio Cassis tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 24/2 rằng, điều này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng lách các lệnh trừng phạt của EU áp đặt lên Nga thông qua lãnh thổ của Liên minh.

Trong lĩnh vực tài chính, Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ các lệnh trừng phạt của EU đã áp đặt trước đó. Tuy nhiên, ông Ignazio Cassis không nói rõ ngân hàng nào sẽ bị hạn chế.

Về phần mình, đại diện của Trung tâm Quan hệ Kinh tế Song phương thuộc Ban Thư ký Nhà nước về Kinh tế, ông Erwin Bollinger nói rằng trong quyết định trừng phạt đối với Nga, Thụy Sĩ sẽ dựa trên các quyết định đã được EU đưa ra. Vì Liên minh không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt độc lập, nên Thụy Sĩ sẽ nghiên cứu cách có thể ngăn chặn việc lách các lệnh trừng phạt của EU qua lãnh thổ Thụy Sĩ nhằm ngăn chặn các nỗ lực như vậy.

Nhật Minh