Đại biểu Quốc hội đánh giá về nội dung quan trọng của kỳ họp

Chính trị - Ngày đăng : 12:55, 04/01/2022

Sáng nay 4/1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc tại Hà Nội. Các đại biểu Quốc hội đã có những trao đổi đánh giá về nội dung được đưa vào kỳ họp.
202201041020210176_chao-co-2-.jpg

Kỳ họp này, Quốc hội họp trực tuyến để xem xét, thông qua 4 nội dung quan trọng, cấp bách nhằm sớm phục hồi nền kinh tế.

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Đồng thời, sẽ thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu quan tâm gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các nội dung được xem xét có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần được thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc.

hoang-cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường- Hà Nội.

Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội sẽ thông qua là vấn đề mà người dân quan tâm.

Đánh giá về nghị quyết này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, cần xem xét quy mô của gói hỗ trợ nhằm đáp ứng được yêu cầu cần hỗ trợ của nền kinh tế, của doanh nghiệp để đủ sức phục hồi nhưng phải bảo đảm giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể như: các chỉ tiêu về an toàn nợ công, kiểm soát lạm phát phải đảm bảo. Cùng vớ đó, phải làm thế nào để đưa gói hỗ trợ này đến đúng địa chỉ, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Về ý kiến đề xuất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế gần 844.000 tỷ đồng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy mô gói hỗ trợ phải đáp ứng được nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp, đại đa số các doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn vốn. Phải làm thế nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chứ không phải là nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ngân sách bỏ ra chỉ là phần hỗ trợ. Do đó, cơ chế kết hợp giữa tài khóa và tiền tệ phải khéo léo để không nhất thiết bỏ ra quá nhiều tiền ngân sách nhưng doanh nghiệp có thể hưởng thụ được nguồn lực hỗ trợ để phát triển. Nếu gói hỗ trợ đưa ra đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì sẽ trở thành nguồn lực cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong bối cảnh sự hấp thụ nền kinh tế đang yếu, nếu gói hỗ trợ này không chuyển vào sản xuất kinh doanh mà chảy sang khu vực khác như: mua bán bất động sản hoặc mua bán chứng khoán… thì có thể gây ra những hậu quả nguy hại cho nền kinh tế như lạm phát, khủng hoảng tiền tệ. Chính vì vậy, đi kèm với việc hỗ trợ, rất cần thiết tăng sức hấp thụ của nền kinh tế. Phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ những nút thắt trong giải ngân đầu tư công để nguồn ngân sách đưa vào đầu tư công đưa thẳng đến các khu vực cần đầu tư.

Liên quan đến nội dung "một luật sửa 8 luật" mà Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là một sáng kiến kịp thời nhằm tháo gỡ các điểm mâu thuẫn giữa các luật. Khi một luật sửa nhiều luật sẽ đáp ứng được ngay những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống mà nút thắt đó lại do vấn đề luật pháp.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cũng cho hay, sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật nhằm kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh liên quan đến việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi.

Đầu tư cho tuyến huyết mạch nền kinh tế

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, đây là tuyến huyết mạch của nền kinh tế, quyết định rất lớn đến các nguồn lực của các địa phương cho phát triển.

Theo đại biểu, đây là lần thứ hai, Quốc hội bàn về việc chuyển phương thức đầu tư hợp tác công tư sang đầu tư công. Điều này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mong muốn của Chính phủ, Quốc hội sớm có nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc nhưng đồng thời cũng cần phải xem lại cơ chế thu hút các nguồn lực thông qua phương thức đầu tư hợp tác công tư.

Liên quan đến gói tài chính, tiền tệ được Quốc hội bàn thảo, xem xét nhằm giúp sớm phục hồi nền kinh tế, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Khi thiết kế gói chính sách này, cũng có những lo ngại làm tăng nợ công và bộ chi.

nguyen-huu-toan.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho hay, khi nền kinh tế phát triển thì sẽ dùng chính sách tài khóa tiền tệ để điều hòa, đảm bảo tăng trưởng bền vững. Còn khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm thì phải tăng thêm nguồn lực kích thích nền kinh tế phát triển.

Với Việt Nam, làn sóng dịch lần thứ 4 khiến quý 3 tăng trưởng giảm sâu và cả năm 2021 chỉ tăng 2,85%. Chúng ta dù đã có nhiều giải pháp, tăng trưởng dương, nhưng vẫn cần phải có chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, vực dậy tăng trưởng để phục hồi. Tuy vậy, gói chính sách tài chính, tiền tệ cần bảo đảm an ninh an, toàn tài chính. Vì vậy, gói chính sách tài chính tiền tệ phải gắn với mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, ông Toàn cho biết.

Đại biểu cũng lưu ý, khi ta sử dụng gói kích thích, bơm thêm tiền vào nền kinh tế, tăng tiền phải tăng bội chi. Giảm thuế, tăng bội chi thì sẽ tăng nợ công, nhưng cần tính toán ở mức độ nhất định, gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kích thích tăng trưởng, vừa giữa ổn định cân đối vĩ mô. Vậy nên điều hành phải hết sức thận trọng, bởi nếu đặt mức bội chi cao quá, dành số tiền lớn quá, mức tăng nợ công cao sẽ làm ảnh hưởng an ninh tài chính quốc gia, không ổn định vĩ mô.

Nhóm PV