Không để xảy ra 'điểm nóng' về tôn giáo

Chính trị - Ngày đăng : 15:44, 22/01/2015

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các cấp chính quyền cần làm tốt công tác vận động, chủ động nắm tình hình, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín xây dựng thành mạng lưới cốt cán để giải quyết các vấn đề tôn giáo.

Sáng 22/1, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2014, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo (giai đoạn 2003 – 2013) và lấy ý kiến góp ý của đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương về số nội dung dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo.

Không để xảy ra 'điểm nóng' về tôn giáo

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy, năm 2014, tình hình tôn giáo trên địa bàn cả nước cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật.

Các lễ trọng, đại hội, hội nghị, hoạt động lớn của các tôn giáo được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ và quần chúng nhân dân tham gia, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo vào chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Hoạt động của các tổ chức tôn giáo được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo như: việc thuyên chuyển, bổ nhiệm, phong chức, phong phẩm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; việc đào tạo chức sắc, in ấn xuất bản kinh sách; việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự và quan hệ quốc tế...

Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là lĩnh vực từ thiện, nhân đạo, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp đã làm tốt công tác quản lý các hoạt động tôn giáo, giải quyết các nhu cầu tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật như: hướng dẫn, giúp đỡ các tôn giáo tổ chức đại hội, hội nghị, lễ trọng; việc đăng ký chương trình hoạt động hàng năm và đột xuất, việc cấp đăng ký sinh hoạt cho các tổ chức tôn giáo; việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về tôn giáo...

Công tác đối ngoại tôn giáo được tăng cường, đưa quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, đặc biệt là quan hệ với Lào, Campuchia và Vatican.

Thông qua các cuộc làm việc, tiếp xúc, trao đổi đoàn, công tác đối ngoại ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã đạt được bước tiến quan trọng, giúp bạn bè thế giới hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã chủ động phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết các vụ việc tôn giáo phức tạp, nhạy cảm do các nhóm, đối tượng chống đối lợi dụng kích động nhân dân; đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo, bảo vệ và đấu tranh nhân quyền trên cơ sở khẳng định chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2015, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ, kích động gây mất ổn định trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII.

Trước mắt, Ban Tôn giáo Chính phủ triển khai thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo và công tác tôn giáo, tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành, 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo.

Trên cơ sở đó, Ban Tôn giáo Chính phủ hoàn thiện, trình Bộ Chính trị đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo và chính sách tổng thể về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam". Đây là đề án lớn phục vụ xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong thời gian dài, là vấn đề quan trọng để xây dựng chính sách tổng thể, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Tôn giáo Chính phủ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện đại hội nhiệm kỳ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước về tôn giáo.

Ban Tôn giáo Chính phủ chú trọng đảm bảo an ninh tôn giáo, chủ động nắm tình hình tôn giáo, phối hợp giải quyết vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở; làm tốt công tác phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong công tác xử lý “điểm nóng” tôn giáo, đặc biệt chú ý đến vấn đề đất đai cho các cơ sở tôn giáo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp chính quyền cần làm tốt công tác vận động, chủ động nắm tình hình, tranh thủ các chức sắc, người có uy tín xây dựng thành mạng lưới cốt cán để giải quyết các vấn đề tôn giáo. Bên cạnh đó, cần sớm phát hiện mâu thuẫn, không để tích tụ mâu thuẫn, có hướng khoanh vùng ngay từ cơ sở không để "điểm nóng" xảy ra, các tranh chấp kéo dài cần có định hướng xử lý rõ ràng, có lộ trình dứt khoát.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Tôn giáo Chính phủ chú trọng công tác đối ngoại tôn giáo. Ban chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng xử lý, giải quyết, đối với các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phát sinh trong quá trình quản lý, bảo đảm an ninh trong tôn giáo.

Thanh Vân