Các đại biểu đồng tình cao về việc ban hành Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến
Chính trị - Ngày đăng : 18:36, 23/10/2021
Dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp và sự đồng tình cao của các đại biểu.
Đến từ Kon Tum, đại biểu Trần Thị Thu Phước, Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đồng tình cao với việc ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo đại biểu, thời gian gần đây, dịch Covid 19 bùng phát ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt xã hội nói chung, công tác tố tụng của Tòa án nói riêng. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến toàn cầu. Chủ trương ban hành Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến là rất phù hợp.
Đại biểu cũng đánh giá, hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Quốc hội đã cơ bản đầy đủ, tuy nhiên cần bổ sung thêm nội dung tổng kết những vụ án tồn đọng do tác động của dịch bệnh mà các Tòa án chưa đưa ra xét xử được. Cùng với đó là khả năng đáp ứng được về công nghệ thông tin, đường truyền khi Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến của các Tòa án, cơ sở giam giữ...
Đại biểu cũng đề nghị, cần xác định thêm Nghị quyết ban hành thuộc trường hợp nào theo Luật ban hành văn bản QPPL. Trước mắt nên áp dụng xét xử những vụ việc dân sự; Với những vụ án hình sự nếu cần thiết ta vẫn có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó cần chuẩn bị chu đáo việc đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ tham gia phiên tòa.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh- Bình Định cũng cơ bản đồng tình và đánh giá cao đề nghị ban hành Nghị quyết của TANDTC. Việc ban hành Nghị quyết rất cần thiết, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội. Đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo đại biểu, vì đây là vấn đề mới nên cần tính toán đánh giá cụ thể. Đồng tình với báo cáo thẩm tra của UBTP, trước hết giao cho các cấp tòa thực hiện thí điểm một số vụ án. Sau khi thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm tất cả mọi mặt trước khi triển khai diện rộng.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà- Bắc Giang tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đại biểu, mục tiêu cao nhất của xây dựng Tòa án điện tử, trong đó có việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam trong sạch vững mạnh, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và bảo vệ công lý ngày càng hiệu quả hơn. Trong điều kiện hiện nay, đây là yêu cầu hết sức cấp bách.
Đại biểu cũng dẫn chứng từ tình hình thực tế của địa phương. Vừa qua, Bắc Giang là địa phương trong cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, ngành Tòa án cũng trong bối cảnh đó, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Các hoạt động xét xử phải dừng lại. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phương tiện và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay các cơ quan tư pháp đều có phương tiện trực tuyến hiện đại.
Với sự chỉ đạo của các cơ quan thẩm quyền, đến nay Bắc Giang đang tích cực thực hiện đề án số hóa hóa hồ sơ tài liệu trình chiếu phiên tòa theo tinh thần CCTP. Bắc Giang đặt ra mục tiêu từ nay đến 2025 thực hiện 100% số hóa các hồ sơ hình sự để trình chiếu tài liệu chứng cứ tại phiên tòa.
Vừa qua TAND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến đến 11 điểm cầu. Đây là phiên tòa trực tuyến đầu tiên mà Bắc Giang tổ chức thành công tốt đẹp, nhận được sự đồng tình của nhân dân.
Từ thự tế đó, đại biểu nhận định, dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng hết sức công phu, có sự tham khảo của các nước trên thế giới; với sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan bộ ngành. Đại biểu cũng đồng tình và đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết theo hình thức rút gọn.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa- đoàn TP Hồ Chí Minh nhất trí với chủ trương lâu dài của Tòa án xây dựng Tòa án điện tử và tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo đại biểu, các nước trên thế giới đã áp dụng mô hình này nhiều năm nay như Singapore, Thái Lan….
Tòa án điện tử đòi hỏi hạ tầng công nghệ, nền tảng công nghệ số hóa, đặc biệt là số hóa trong lưu trữ hồ sơ… đòi hỏi phải có hệ thống điện tử để tương tác, giao dịch trực tuyến…Nếu Tòa án điện tử đã được triển khai thì thực hiện phiên tòa trực tuyến tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay Tòa án chưa triển khai được hệ thống Tòa án điện tử.
Trước tình hình Covid-19 bùng phát mạnh, lượng án bị tồn đọng nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi đương sự, công việc của Tòa án nên cần phải tổ chức phiên tòa trực tuyến để bảo đảm an toàn cho công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử vụ án không bị chậm trễ.
Tuy nhiên, để có phiên tòa trực tuyến, trước đó còn có các khâu như khởi tố, điều tra, truy tố…Việc tổ chức phiên tòa đòi hỏi có nhiều yếu tố về nền tảng công nghệ, sự phối hợp cao để không vi phạm về thời hạn tố tụng. Do vậy, cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, để phiên tòa được diễn ra phù hợp, bảo đảm các quyền của bị cáo.
Từ đó, đại biểu đề nghị về lâu dài giao cho Tòa án và các cơ quan liên quan xây dựng đề án xử lý tất cả những vấn đề pháp lý liên quan đến phiên tòa, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng; để phiên tòa được diễn ra công bằng, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người tham gia tố tụng.