Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc: Hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 2 bị can
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 09:50, 06/01/2018
Liên quan đến vụ việc, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố Trần Tiến Tuân (SN 1985, quê quán Thanh Hoá) và Bùi Quốc Tùng (SN 1986, trú ở Hà Nội), về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết luận điều tra nêu rõ, bà Nguyễn Thị Vân (SN 1934) là người thuê lại căn nhà 41 Cửa Bắc từ năm 1956. Theo thời gian sử dụng, do nhà đã xuống cấp nên bà Vân có đơn xin cải tạo, sửa chữa lại và được UBND quận Ba Đình chấp thuận. Sau đó, bà Vân đã ký hợp đồng với Trần Tiến Tuân để phá dỡ và đào móng nhà.
Để thực hiện công việc, Tuân đã thuê Bùi Quốc Tùng và Tùng đã hợp đồng với Trần Văn Minh (SN 1979, quê quán tỉnh Vĩnh Phúc) lái máy xúc thực hiện đào móng. Do biện pháp thi công không đảm bảo kỹ thuật khiến nhà liền kề đổ sập, hậu quả làm 2 người tử vong và 3 người bị thương.
Kết quả giám định của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến đổ sập nhà 43 Cửa Bắc là do biện pháp thi công xây dựng nhà 41 không hợp lý.
Cụ thể, việc thi công đào móng với hố đào rộng theo kiểu dùng cho móng nhà, với độ sâu lớn hơn đáy móng chung mà không thực hiện biện pháp thích hợp để bảo vệ móng với nền đất dưới móng của nhà số 43. Ngoài ra, việc đào hố móng số nhà 41 bằng cơ giới gây rung động, việc vỡ đường ống cấp nước trong quá trình đào móng góp phần làm nhão, thay đổi trạng thái của đất nền dưới móng, làm suy giảm khả năng chịu tải đất nền dưới móng.
Số nhà 43 từng cơi nới nâng tầng nhưng không gia cường mở rộng móng trong khi thân nhà này có sơ đồ kết cấu kém ổn định cho nên đã sập đổ đột ngột khi có tác động bất ngờ của tải trọng ngang do việc đào móng số nhà 41 gây ra.
Cơ quan CSĐT xác định, Trần Tiến Tuân và Bùi Quốc Tùng là nhà thầu thi công phá dỡ, đào móng nhà số 41 Cửa Bắc nhưng không có bằng cấp chứng chỉ về xây dựng. Quá trình thi công, các cá nhân đã không thực hiện đúng các biện pháp thi công theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, không thực hiện các biện pháp an toàn đối với các công trình xung quanh.
Hành vi của Trần Tiến Tuân và Bùi Quốc Tùng đã phạm tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 229 Bộ luật Hình sự.
Hiện trường vụ sập nhà 43 Cửa Bắc
Tại bản kết luận điều tra bổ sung, cùng với việc xác định nguyên nhân dẫn đến sập nhà, CQĐT đã xác định vai trò, trách nhiệm của Trần Văn Minh – người lái máy xúc làm vỡ đường ống cấp nước trong quá trình thi công đào móng số nhà 41 Cửa Bắc là một trong những nguyên nhân gây sập đổ nhà liền kề (nhà 43 Cửa Bắc), gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Tuy nhiên theo CQĐT, hành vi của ông Minh không vi phạm các quy định cụ thể nào về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc… Ông Minh chỉ là người làm thuê, thực hiện chỉ đạo thi công của Trần Tiến Tuân và Bùi Quốc Tùng. Hơn nữa nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn đến đổ sập đột ngột căn nhà 43 Cửa Bắc là do biện pháp thi công xây dựng nhà số 41 không hợp lý, biện pháp thi công thuộc trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư. Do đó, hành vi của ông Minh không cấu thành tội phạm.
CQĐT cũng xác định, bà Nguyễn Thị Vân là chủ đầu tư xây dựng công trình 41 Cửa Bắc đã lựa chọn nhà thầu thi công không đủ năng lực thi công công trình. Hành vi của bà Vân bị CQĐT xác định đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, hiện nay bà Vân đã 83 tuổi, sau khi xảy ra vụ án bà Vân cùng gia đình tích cực khắc phục hậu quả, nên CQĐT đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.