Lời sám hối muộn màng của nữ giảng viên mang án lừa đảo
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 13:03, 10/04/2015
Bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, mặc áo số đã 5 năm nhưng phạm nhân Nguyễn Thị Minh Kính trông vẫn nhanh nhẹn và tinh anh. Rụt rè ngồi ghé xuống chiếc ghế, bà lão 70 tuổi lí nhí chào “Chào cán bộ, cán bộ gặp tôi có việc gì vậy?”. Khi biết mục đích của cuộc gặp, bà lắc đầu nguầy nguậy “Ấy ấy cán bộ đừng viết về tôi, tôi xấu hổ lắm, tôi có tội với Đảng với Nhà nước, tôi sai rồi”. Được động viên, mãi lâu sau, cựu giảng viên một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội mới chịu mở lòng.
Là giảng viên, nhưng bà Kính lại có tới 3 bản án với cùng một tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo chia sẻ của bà lão, với vỏ bọc là giảng viên, tự nhận có khả năng “chạy điểm” vào các trường đại học và cao đẳng. Quá tin tưởng vào một giảng viên lâu năm, 15 người đã trao cho bà Kính hơn 1 tỷ đồng.
Tiền đã nhận đầy đủ nhưng những người nhờ bà “chạy điểm” vẫn trượt “vỏ chuối” nên đã đồng loạt làm đơn tố cáo tới cơ quan công an. Mặc dù, đã khắc phục phần lớn số tiền chiếm đoạt được nhưng bà Kính vẫn phải lĩnh án 9 năm tù. Trước khi gây ra vụ lừa này, bà Kính cũng đã bị TAND tỉnh Hải Dương tuyên phạt 13 năm tù cùng về hành vi này.
Trong lúc được tại ngoại, năm 2012, bà lão này tiếp tục “ngựa quen đường cũ” khi đi khoe khoang khắp nơi rằng, mình có mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo cấp cao Nhà nước và tỉnh Hải Dương, có khả năng "chạy việc". Lần này, bà Kính nhận 19 hồ sơ xin việc cùng gần 1 tỷ đồng của các nạn nhân.
Lần phạm tội này, bà lão tiếp tục nhận thêm 14 năm tù. Án chồng lên án, bà lão đã ở bên kia dốc cuộc đời đã phải nhập trại Ngọc Lý với cái án 30 năm tổng hợp của 3 bản án.
Gia cảnh cùng quẫn, từ giảng viên thành kẻ lừa đảo
Nhắc đến gia đình, bà lão không giấu được sự xúc động xen lẫn xấu hổ trước việc làm sai trái của mình “Gia đình tôi nề nếp, bố là cán bộ, mẹ là bác sĩ có tiếng, các anh chị em đều thành đạt. Tôi trượt dốc như một vết nhơ làm xấu hình ảnh gia đình”. Khi bà “nhúng tràm”, các anh chị em trong gia đình quá xấu hổ mà không muốn nhìn mặt người em tội lỗi.
Phân trần cho hành động tội lỗi của mình, bà Kính tâm sự “Chỉ vì muốn cứu con, sĩ diện với gia đình nhà chồng cũ, nên tôi nghĩ mọi cách để làm giàu., nhưng với đồng lương giáo viên cố xoay xỏa cũng chỉ đủ nuôi con ăn học nên tôi mới làm liều như vậy. Chỉ vì suy nghĩ nông nổi mà tôi đánh mất cả tự do, nhân phẩm của mình, bây giờ hối hận cũng đã quá muộn rồi”.
Khi còn trẻ, bà Kính là người phụ nữ thông minh, nhanh nhẹn nhưng lại kém sắc, bởi phần lớn khuôn mặt của bà bị tràm che kín nên dù có với nhau hai mặt con, chồng bà vẫn bỏ đi với người phụ nữ nhan sắc khác. Lúc đó, một mình bà phải bươn chải nuôi 3 đứa con ăn học, đã vậy cậu con út khi đó mới 8 tháng tuổi đột nhiên mắc bệnh u não. Để chạy chữa cho con, thứ gì trong nhà có giá bà đành đem bán hết. Vừa chữa được bệnh u não, thì con trai bà lại mắc bệnh tim, tủy sống. Ngày đứng lớp, tranh thủ chăm con, đêm thức trắng đan len mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống.
12 năm theo con đi hết bệnh viện nọ tới bệnh viện kia khiến bà lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ngay cả căn nhà tập thể, nơi tá túc duy nhất của 4 mẹ con, bà Kính cũng phải bán để thuốc thang và trả nợ, nhưng nợ nần vẫn như chiếc vòng kim cô siết chặt cuộc sống của bà. “Nhiều lần không có tiền mua máu cho con, tôi phải đi bán máu mình lấy tiền mua máu cho con. Sáng sáng khi tỉnh dậy, việc đầu tiên tôi làm là đánh thức con dậy, tôi chỉ sợ một hôm nào đó cháu không tỉnh lại nữa”.
Trước hoàn cảnh bi đát của gia đình, cậu con trai cả đang học đại học Bách Khoa đành phải bỏ học giữa chừng đi học nghề sửa chữa xe máy, mở tiệm để giúp mẹ mưu sinh. Trong lúc cậu con út vẫn còn gian nan chiến đấu với bệnh tật, thì một lần nữa bất hạnh lại ập xuống đầu mẹ con bà, khi cô con gái thứ hai đang học Đại học Luật năm cuối được phát hiện bị viêm cầu thận. “Đói ăn vụng, túng làm càn”, bà Kính lao vào con đường lừa đảo. May mắn, do được chạy chữa kịp thời nên bệnh tình con gái bà thuyên giảm và lập gia đình, sinh con như bao phụ nữ bình thường khác.
Giờ đây, khi phải vào trại giam trả giá cho tội lỗi của mình, bà luôn mang trong lòng sự ân hận, day dứt. Năm nào cũng vậy, khi Tết đến xuân về các con của bà Kính cũng lên thăm mẹ và lần nào bà cũng dặn dò các con cố gắng khắc phục hậu quả.
Phạm nhân Kính đang trải lòng về nhưng lỗi lầm của mình
Lời xin lỗi muộn màng
Nhân dịp Tổng cục 8 tổ chức cuộc thi viết thư “xin lỗi”, bà Kính cũng nhiệt tình tham gia hưởng ứng. Người mà bà lựa chọn để viết thư xin lỗi là chị Trịnh Thị Thúy, ở Hải Dương, nạn nhân đã cả tin giao hơn 1 tỷ đồng để bà “chạy việc” cho người thân. Bà tâm sự, cuộc thi này là cơ hội để bà có thể gửi lời xin lỗi tới chị Thúy nói riêng và các nạn nhân của mình nói chung.
Trong thư bà Kính viết:
“Thúy ơi, đã hơn một ngàn tám trăm ngày xa cách, Thúy không thể tin rằng, từ sau song sắt của nhà tù, tôi lại viết thư về gửi Thúy. Dẫu cho ngàn vạn lần căm giận, Thúy hãy cho tôi được nói lời xin lỗi. Thúy hãy nén lòng đọc cho hết bức thư này dù cho tôi có triệu triệu lần xin lỗi Thúy cũng không thể tha thứ cho tôi được.
Thúy thân mến, sống ngoài xã hôi trong cuộc sống đời thường có mấy ai trước lòng tham vô đáy lại nhận ra lẽ phải để làm theo. Nhưng khi được cuộc đời dạy cho mình một bài học nhớ đời, bài học của bản án 30 năm, mới thấm đẫm, mới hiểu ra rằng, nỗi đau của người bị hại lớn lao biết nhường nào. Thật không dễ dàng để tôi nói được lời ân hận này bởi đây là kết quả của gần 5 năm trời dài dằng dặc để tôi phải tự suy ngẫm, xót xa cay đắng của biết bao đêm trường lương tâm dằn vặt.
Thúy thân mến, sau 5 năm cải tạo, tôi mới rút ra được rằng, sinh tồn và bình yên là một cặp phạm trù. Muốn có sinh tồn, con người ta phải luôn vận động bằng nhiều cách, nhiều con đường nhưng tất cả mọi cách mọi lẽ đó phải tuân thủ theo pháp luật thì mới có sự bình yên. Tôi thì nhiều tuổi lắm rồi, còn Thúy mới chỉ ngoài 40, cuộc đời còn dài lắm.
Ngày tôi bằng tuổi Thúy, có ai nói với tôi những điều như tôi nói với Thúy đâu. Rằng, thế giới sinh ra thiên nhiên, cây cỏ, đất trời trong đó có con người. Khi tồn tại trong thế giới tự nhiên của muôn loài, con người muốn sinh và tồn thì buộc phải đấu tranh: đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, đấu tranh để cho khoảng sáng trong tâm lán át hết khoảng tối, để con người có trí tuệ chỉ đạo mọi hành động, đừng gieo tội ác như tôi đã gieo nỗi đau cho Thúy. Nếu tôi biết trước như bây giờ, mọi người ngoài đời kia sẽ tránh được tai họa cho mình và những người khác.
Thúy có thể hiểu rằng, cho mãi tới cái tuổi 70, khi sa chân, tôi mới hiểu ra rằng, giữa đời thường và sách vở có một khoảng trống. Tôi đã rơi tõm giữa cái khoảng trống có hố sâu tội lỗi đó Thúy ạ. Khi tôi sống trong một tập thể phạm nhân, tôi thấy có nhiều người chưa hiểu hết chính mình và không đủ trình độ để tự đánh giá mình, mình là ai, là thành viên như thế nào trong sự phát triển của quy luật.
Không biết bao nhiêu đêm tôi nằm đếm mưa rơi. Thấy ngoài kia, cách một bức tường giam, con ếch được kêu, con rắn dược bò, mương nước được chảy. Thế mới thấy, hai chữ tự do là vô giá. Rồi tôi ngẫm lại mình, kẻ gieo tội ác nhưng vẫn được chăn ấm, chiếc nón đội đầu, đôi dép để đi. Thì ra, lòng nhân ái, sự mở lòng tha thứ mới có giá trị giáo dục biết nhường nào.
Năm năm qua, từ trong trại giam, tôi đã trải nghiệm. Tôi hối hận và căm giận bản thân mình. Tôi đã tự đánh mất đi cuộc sống tự do. Tôi đã làm tổn thương cho Thúy và cả một tập thể đại học và bao người quen biết. Dẫu có muộn mằn thì những dòng nước mắt lặng lẽ bao đêm, tôi xin Thúy hãy rộng lòng. Viết thư cho Thúy suốt một đêm, trời sắp sáng rồi. Trong phòng giam, chị em đã lục tục dậy. Mong Thúy khỏe, vui, thành đạt, cát tường”.
Chia tay về lại phòng giam, bà Kính buồn rầu nói: “Tôi giờ cũng gần đất xa trời rồi, không bao giờ còn có cơ hội để trở về vui vầy với con cháu. Qua đây tôi muốn nhắn nhủ tới những người đang có hoàn cảnh bất hạnh như tôi, dù có khó khăn, đói khổ như thế nào cũng đừng lấy của người làm của mình, cuộc đời có nhân có quả hết, ta không thể tránh được luật nhân quả công bằng”.