Nhiều bị cáo dắt nhau vào tù vì cấu kết làm giả hồ sơ tâm thần

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 21:11, 23/06/2021

Ngày 23/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo đã có hành vi giúp sức cho đối tượng cầm đầu đường dây làm giả hồ sơ mắc bệnh tâm thần.

Theo đó, các bị cáo trong vụ án gồm: Vi Thị Hiếu (SN 1986, trú tại Tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Hoàng Văn Sứng (SN 1985, trú tại xã Tống Phan, huyện Phù Cư, Hưng Yên), Ngô Việt Dũng (SN 1995, trú tại xã Đại An, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) và Tăng Văn Tuấn (SN 1979, trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) về các tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

577920a2-b025-4a42-a6e2-9617da62e4c6_4_5005_c(1).jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử 

Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án này, Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1979, trú tại tổ 38, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là đối tượng cầm đầu đường dây làm giả các tài liệu tâm thần. Nhưng do Mai Anh được xác định mắc bệnh tâm thần, có quyết định bắt buộc đi chữa bệnh nên cơ quan tố tụng sẽ xử lý sau.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Mai Anh đã bị nhiều cơ quan tố tụng khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng thời gian được đi chữa bệnh tại Viện Pháp Y tâm thần Trung ương theo quyết định bắt buộc chữa bệnh của Viện KSND TP Hà Nội từ tháng 2/2016, Mai Anh đã trốn khỏi nơi chữa bệnh và móc nối với nhiều đối tượng để chỉ đạo làm giả nhiều tài liệu của cơ quan, tổ chức và các tài liệu liên quan đến việc giám định pháp y tâm thần của các phạm nhân đang thi hành án phạt tù.

TAND tỉnh Thanh Hoá sau đó đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với các đối tượng phạm tội với mục đích để các đối tượng phạm tội không phải chấp hành các hình phạt mà Toà án đã tuyên.

Thông qua quan hệ gia đình, Mai Anh quen biết Vi Thị Hiếu. Từ mối quan hệ này, Mai Anh đã đưa tài liệu cần làm giả và các mẫu hình dấu tròn của các cơ quan, đơn vị cho Hiếu để Hiếu mang đi làm giả.

Từ những tài liệu Mai Anh đưa, Hiếu đã thuê Sứng đánh máy chỉnh sửa nội dung theo yêu cầu của Mai Anh, dùng máy photocopy và máy in màu sao chụp hình dấu vào văn bản để tạo thành văn bản giả có các nội dung cần làm giả, sử dụng con dấu, chữ ký, dấu tên chức danh của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức liên quan đóng lên văn bản đã được Sứng in sẵn nội dung và in phun màu mẫu dấu.

Các tài liệu làm giả, Hiếu trả cho Sứng 50.000 đồng một hình dấu, 20.000 đồng một trang đánh máy văn bản. Sau đó, Hiếu báo lại tiền công đã thuê người làm cho Mai Anh nhưng báo tăng thêm hưởng chênh lệch. Bằng thủ đoạn trên, trong thời gian từ năm 2017 đến tháng 6/2019, Mai Anh đã chỉ đạo Hiếu làm giả 42 tài liệu liên quan đến việc giám định tâm thần cho các bị can, phạm nhân.

Trong đường dây phạm pháp này, cơ quan điều tra xác định, Tăng Văn Tuấn đã 3 lần mạo nhận là cán bộ TAND tỉnh Thanh Hóa đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương để thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan bệnh án của phạm nhân, giúp bị cáo Hiếu và bị cáo Sứng làm giả tài liệu, sau đó chuyển tài liệu giả tới TAND tỉnh Thanh Hóa và một số cơ quan liên quan để TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc với nhiều phạm nhân đang thụ án tù.

Trong số những đối tượng được làm giả hồ sơ mắc bệnh tâm thần, có 6 phạm nhân lợi dụng việc đi chữa bệnh để bỏ trốn gồm: Phùng Anh Thái (can tội giết người, án 29 năm tù), Trịnh Hoàng Lan (can tội giết người, án 18 năm tù), Nguyễn Quốc Khánh (can tội đưa hối lộ, tổ chức đánh bạc và đánh bạc, án hơn 27 năm tù), Phạm Văn Kiên (can tội vận chuyển trái phép ma túy, tù chung thân), Lê Hoàng Châu (can tội tàng trữ trái phép ma túy, án 15 năm tù), Trần Thế Phúc (can tội chống người thi hành công vụ, án 42 tháng tù).

Đặc biệt, có 2 phạm nhân sau khi bỏ trốn lại tiếp tục phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đó là Phạm Văn Kiên đã bị tuyên án tù về ma túy lại phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Phùng Anh Thái phạm tội giết người và bỏ trốn năm 2019, sau đó lại phạm tội đánh bạc và bị cơ quan Công an bắt giữ. Trong số 6 phạm nhân bỏ trốn nêu trên, đến nay chỉ còn phạm nhân Lê Hoàng Châu chưa bị bắt và cũng chưa về trại giam thi hành án.

Quá trình điều tra vụ án, Nguyễn Thị Mai Anh có biểu hiện mắc bệnh tâm thần nên ngày 28/5/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với đối tượng này.

Ngày 1/7/2020, Trung tâm giám định Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc kết luận “Nguyễn Thị Mai Anh bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn trầm cảm nặng, có các triệu chứng loạn thần, mất khả năng nhận thức và mất khả năng điều khiển hành vi”.

Ngày 10/7/2020, Viện KSND TP Hà Nội ra quyết định bắt buộc chữa bệnh tâm thần đối với Nguyễn thị Mai Anh. Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với bị can Nguyễn Thị Mai Anh và đưa đối tượng này đi bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra xác định, đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cán bộ thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa, Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Bệnh viện tâm thần Trung ương..., do hết thời hạn điều tra nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

Tại phiên toà, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như trên.

Khép lại phiên toà, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt các bị cáo gồm: Vi Thị Hiếu mức án 5 năm tù, bị cáo Hoàng Văn Sứng 4 năm tù và bị cáo Ngô Việt Dũng 2 năm tù cùng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Riêng bị cáo Tăng Văn Tuấn bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Mạnh Hùng