Đề nghị giữ lại hình thức Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC

Chính trị - Ngày đăng : 22:13, 27/11/2014

Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi). Quy định về thẩm quyền ban hành và hình thức VBQPPL, nhiều ĐB đề nghị giữ lại hình thức Thông tư của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Bởi vì các cơ quan này là các cơ quan Nhà nước được quy định trong Hiến pháp, văn bản pháp luật của các cơ quan này được ban hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) vừa được thông qua vẫn quy định về thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.

Đề nghị giữ lại hình thức Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC

Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường

Đồng thời giữ lại hình thức văn bản liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được ban hành để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi luật quy định về việc tổ chức chính trị - xã hội đó tham gia quản lý Nhà nước. Ví dụ: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cũng nhất trí với phương án giữ lại hình thức Thông tư của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Thông tư của các Bộ, ngành và cơ quan ngang Bộ vào hệ thống các văn bản QPPL vì hiện nay đang xuất hiện các luật có đối tượng điều chỉnh rộng lớn hơn mà các luật chuyên ngành khác phải tuân theo, đó là BLTTHS, BLTTDS… Bên cạnh đó, cần thiết phải bổ sung hình thức Thông tư của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC. Các cơ quan này có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL, vì đây là những cơ quan áp dụng pháp luật. Thực tế, các quy định pháp luật trong công tác chuyên môn của Viện Kiểm sát, Tòa án, Công an, Thi hành án… có nhiều lĩnh vực cần phải hướng dẫn, quy định trong văn bản dưới luật để thực hiện.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, trong các cuộc họp đánh giá quy chế phối hợp giữa các cơ quan như Tòa án, Viện kiểm sát đều đánh giá sự phối hợp rất tốt. Và, với nhiệm vụ của mình, Quốc hội cũng không thể bãi bỏ bản án hay các quyết định của Tòa án. Vì vậy, nếu bỏ thẩm quyền ban hành văn bản dưới luật của Tòa án, Viện kiểm sát là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Ở góc độ khác, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, cần bổ sung quy trình xây dựng chính sách và việc công khai, minh bạch hóa trong quá trình xây dựng pháp luật. Vì thực tiễn cho thấy, một số văn bản ban hành không rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và minh bạch chính sách dẫn đến tranh luận không đáng có; có những nội dung dự thảo không đúng với định hướng hoặc không rõ chính sách…

Cũng theo ĐB Lộc, hiện nay các Bộ, ngành soạn thảo văn bản luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành là chủ yếu. Do vậy, đã có nhiều chính sách có lợi cho cơ quan quản lý và đẩy khó khăn cho người dân. Vì vậy, đề nghị quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản của các Bộ, ngành để đảm bảo đầy đủ quyền thực thi pháp luật của Quốc hội, tránh tình trạng nợ đọng văn bản. 

Mai Thoa