Vụ án “buôn lậu” lô gỗ trắc “khủng” nhất Việt Nam: Vì sao lô hàng vật chứng bị mang bán vội vàng?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:02, 01/10/2014

Đã 3 năm trôi qua, vụ án “buôn lậu” ở Công ty TNHH Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bị khởi tố khi xuất khẩu 535,8m3 gỗ trắc nhập khẩu từ Lào gây xôn xao dư luận bởi đây là lô hàng gỗ trắc giá trị lớn.

Đã có những nghi ngại về giám định và tố tụng trong vụ án. Đặc biệt, việc lô hàng là vật chứng vụ án bị mang bán đấu giá khi vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn...

Lô hàng nhiều tỉ bị thu giữ

Nội dung vụ việc này như sau: Ngày 17/11/2011, Công ty Ngọc Hưng đã nhập khẩu 535,8m3 gỗ trắc cambot từ một doanh nghiệp ở Lào qua cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và đến ngày 20/12/2011 xuất bán cho Công ty EastWell qua cửa khẩu Tiên Sa, TP. Đà Nẵng để vận chuyển sang Hong Kong.

Trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu lô hàng tại cửa khẩu Tiên Sa, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo bắt giữ, khám xét và khởi tố vụ án buôn lậu, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra (C46) Bộ Công an điều tra. Sau hai tháng điều tra, C46 đã có kết luận khẳng định: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Buôn lậu” quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự…”.

Tuy nhiên vụ việc lại được chuyển sang C44 để điều tra. Tại Bản kết luận điều tra số13/KLĐT-C44 (P4) ngày 15/10/2013, nêu “..C44 chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền” và “.. Sau khi xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C44) đề nghị chuyển lô gỗ (vật chứng) trên cho Chính phủ Lào theo hình thức viện trợ không hoàn lại”.

Tuy nhiên, trong lúc vụ án đang được VKSNDTC yêu cầu C44 điều tra bổ sung thì bất ngờ, C44 đem toàn bộ lô gỗ là vật chứng vụ án bán cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh chỉ 64 tỷ đồng(!?), trong khi Cty Ngọc Hưng không được thông báo.

Quyết định trên khiến phía Công ty Ngọc Hưng bàng hoàng và nghi ngờ có nhiều dấu hiệu khuất tất bởi gỗ trắc là mặt hàng khan hiếm trên thị trường, trị giá lô gỗ trên theo giá thị trường phải lên tới hơn 500 tỷ đồng.

Liệu có vi phạm tố tụng?

Ngày 17/1/2014, chúng tôi đến kho bãi của Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) thì phía mua số gỗ này đang bốc xếp, vận chuyển những xe gỗ cuối cùng. Vậy mà C44 khẳng định, ngày 25/2/2014 mới họp liên ngành để xử lý? Vậy, có hay không dấu hiệu vi phạm Điều 75 của Bộ luật Tố tụng hình sự, vi phạm các quy định về quy trình xử lý tang vật của vụ án?

Theo Luật sư Nguyễn Xuân Bính (Hà Nội), việc bán đấu giá lô gỗ trắc đã mâu thuẫn với chính kết luận và kiến nghị của cơ quan CSĐT tại bản Kết luận điều tra số 13/KLĐT-C44 (P4) ngày 15/10/2013.

Mặt khác, Điều 75 và 76 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chỉ có vật chứng là hàng hoá mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền quyết định bán. Cho nên theo ông Bính, với lô gỗ trắc này, việc bán đấu giá đã vi phạm Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cũng theo luật sư Bính, quá trình xử lý vụ việc này đã có nhiều bất cập cần được xem xét, đánh giá trên cơ sở  pháp luật hiện hành. Lô hàng gỗ trắc này được xác định có nguồn gốc từ Lào được nhập khẩu về Việt Nam và xuất sang nước thứ 3. Theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP thì mặt hàng gỗ trắc được phép nhập khẩu. Theo hợp đồng, bên xuất khẩu chịu trách nhiệm làm thủ tục tại hải quan của Lào. Đến nay, các cơ quan chức năng của Lào chưa có kết luận việc xuất khẩu lô hàng trên là trái pháp luật. Còn theo pháp luật Việt Nam, trong trường hợp này, các cơ quan tài phán, tư pháp Việt Nam không có thẩm quyền phán xét việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Lào có trái pháp luật của Lào hay không vì việc mua bán xảy ra trên lãnh thổ của Lào. Khi lô hàng được nhập khẩu vào Việt Nam thì cơ quan tài phán Việt Nam mới có quyền xem xét.

Vụ án “buôn lậu” lô gỗ trắc “khủng” nhất Việt Nam: Vì sao lô hàng vật chứng bị mang bán vội vàng?

Lô hàng được cơ quan chức năng kiểm tra tại Đà Nẵng

 Theo hợp đồng thì Công ty Ngọc Hưng mua bán hàng hóa với Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào, do ông Khamfong Vorabouth là đại diện. Song khi cơ quan chức năng xác minh thì ông Khamfong Vorabouth không thừa nhận có mua bán với Công ty Ngọc Hưng. Từ đó, cơ quan chức năng cho rằng, Công ty Ngọc Hưng đã làm giả hợp đồng. Tuy nhiên, việc giám định chữ ký của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thực hiện cũng không xác định được chữ ký trên hợp đồng không phải là do ông Khamfong Vorabouth trong khi phía CTy Ngọc Hưng khẳng định, chính ông Khamfong Vorabouth đã ký hợp đồng.

Về việc trưng cầu giám định để xác định khối lượng, số lượng của từng loại gỗ, theo luật sư Bính thì cũng vi phạm nghiêm trọng quy định về giám định tư pháp. Theo quy định tại Điều 19, Luật Giám định tư pháp, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật không có chức năng giám định chủng loại, khối lượng, số lượng gỗ đối với lô hàng của Công ty Ngọc Hưng. Ngay cùng Viện này nhưng đã đưa ra hai kết quả đo, đếm khối lượng gỗ rất mâu thuẫn với nhau. Vấn đề giám định này, Báo Công lý đã từng có bài nêu những bất hợp lý mà dư luận thì cho rằng đã có chuyện giám định “ảo”.

Theo Luật sư Lê Văn Khiển (Đoàn LS Quảng Trị) thì việc C44 thành lập Đoàn công tác liên ngành tiến hành hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ vụ án lãnh thổ Lào là không phù hợp pháp luật về tố tụng hình sự. Bởi lẽ, hiệu lực của BLTTHS Việt Nam điều chỉnh các hoạt động của cơ quan, người tố tụng tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ luật tố tụng hình sự không quy định, cho phép người tiến hành tố tụng tiến hành hoạt động tố tụng trên lãnh thổ quốc gia khác. Bên cạnh đó, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam ký với Lào và Hiệp định tư pháp ký với các nước ASEAN không quy định, cho phép cơ quan tố tụng của nước thành viên này được tiến hành hoạt động tố tụng trên lãnh thổ của quốc gia thành viên khác.

Theo Luật sư Bính, ngày 30/7/2014, phía Lào có Công văn phúc đáp nhưng không có một dòng, một chữ nào quy kết lô hàng của Công ty Ngọc Hưng là vi pháp pháp luật Lào về mua bán gỗ. Công văn này chỉ viện dẫn Chỉ thị số 010/TTg của Thủ tướng Chính phủ Lào chỉ đạo việc khai thác gỗ trắc và Thông báo số 1094/BCT-CXK quy định các bước trong việc cấp phép nhập khẩu và xuất khẩu gỗ. Đây chỉ là những văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thuần tuý, không phải là các văn bản luật để minh chứng lô hàng của công ty Ngọc Hưng vi phạm. Các tài liệu “tương trợ tư pháp” này cũng không có tài liệu nào đề cập trực tiếp đến sự việc của Công ty Ngọc Hưng. Từ đó, Luật sư Bính cho rằng, kết quả tương trợ tư pháp không có thêm căn cứ nào để buộc tội hành vi buôn lậu đối với Công ty Ngọc Hưng. Ngược lại, chính kết quả tương trợ tư pháp cho thấy phía CHDCND Lào đến nay vẫn không hề khẳng định lô gỗ là bất hợp pháp.

Như vậy, tài liệu do Đoàn công tác liên ngành liệu có được coi là chứng cứ chứng minh và Đoàn công tác liên ngành có phải là cơ quan tiến hành tố tụng không, sẽ được cơ quan có thẩm quyền làm rõ.

Trí Thành