Vụ đấu giá đất không “sạch” ở huyện Nam Trực (Nam Định): Chủ tịch UBND huyện bị kiện ra Tòa
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 10:45, 06/10/2012
Nguyên nhân dẫn đến những lùng nhùng của vụ việc này bắt đầu từ việc cơ quan có thẩm quyền đem ra đấu giá đất không “sạch” .
Trúng đấu giá nhưng không được giao đất
Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, cuối năm 2008, UBND huyện Nam Trực đồng ý cho đấu giá quyền sử dụng đất ở xã Nam Dương. Trong tổng diện tích đem ra đấu giá có một phần diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Vũ Ngọc Quang được giao (thường gọi là đất 115). Căn cứ đề nghị thu hồi đất phục vụ bán đấu giá, phương án bồi thường, hỗ trợ… của UBND xã Nam Dương, ngày 11-12-2008, UBND huyện Nam Trực ban hành quyết định thu hồi 567m2 đất của hộ ông Vũ Ngọc Quang, ở thôn Phượng, xã Nam Dương. Hội đồng đấu giá đất do UBND huyện này thành lập và đề xuất mức giá tối thiểu là 91,8 triệu đồng/1 lô đất. Ông Vũ Văn Anh ở trong thôn tham gia đấu giá theo quy định và đã trúng giá lô số 2 với số tiền 92,1 triệu đồng. Ông Anh đã nộp đủ số tiền này vào kho bạc huyện trong thời gian quy định của Hội đồng đấu giá.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, Hội đồng đấu giá của huyện trình lên và đến ngày 27-2-2009, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu giá.
Về phần mình, sau khi đã thực hiện xong đầy đủ nghĩa vụ của người tham gia đấu giá nhưng chờ mãi không thấy được giao đất, dù đã kiến nghị nhiều nhưng ông Vũ Văn Anh vẫn không được giải quyết. Cực chẳng đã, ông Vũ Văn Anh làm đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện ra Tòa với lý do không thực hiện hành vi hành chính là ban hành quyết định giao đất cho ông.
Đất đem ra đấu giá… không “sạch”
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì nguyên nhân cơ bản của những lùng nhùng kéo dài hơn 3 năm nay dẫn đến vụ án hành chính (chưa xét xử) này là do đất đưa ra đấu giá không “sạch”. Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 216/TTg ngày 31-8-2005 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện các thửa đất được tổ chức đấu giá là phải “Đã được bồi thường giải phóng mặt bằng”. Nhưng thực tế trong vụ việc này Hội đồng đấu giá đất của huyện Nam Trực tổ chức đấu giá đất trước khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo ông Vũ Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Nam Dương thì vì huyện không có nguồn chi trả bồi thường cho người có đất bị thu hồi mà phải đợi đến lúc người trúng đấu giá nộp tiền thì mới có để trả khoản này. Thực tế, vì chưa bồi thường nên hộ ông Quang vẫn quản lý diện tích đất bị thu hồi, chưa giao cho chính quyền quản lý nên việc giải phóng mặt bằng chưa xong, chưa tạo lập được quỹ đất “sạch” để đấu giá. Cho nên sau khi có kết quả đấu giá thì phát sinh tranh chấp mà người có đất bị thu hồi là ông Quang không chấp nhận giao đất cho hộ ông Vũ Văn Anh. Ông Báu cũng bày tỏ một thực tế ở địa phương là rất khó để có được đất “sạch” trước khi đem đấu giá vì… khó khăn về ngân sách.
Khu vực đất đem ra đấu giá
Có phải là “thỏa thuận dân sự”?
Được biết, ngoài khoản nộp cho nhà nước theo kết quả đấu giá, “theo thỏa thuận” thì những người trúng đấu giá còn phải nộp khoản tiền đáng kể (khoảng 82,8 triệu đồng) cho người có đất bị thu hồi là ông Quang. Đã có 4/5 người trúng giá chấp nhận việc thỏa thuận này và đã được giao đất. Riêng ông Vũ Văn Anh không thỏa thuận và chấp nhận nộp thêm nên không được giao đất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho rằng vì ông Vũ Văn Anh không thực hiện thỏa thuận dân sự với ông Quang nên không thu hồi đất của ông Quang để giao cho ông Anh được. Theo báo cáo của Phòng TN&MT đồng thời cũng là ý kiến của ông Chủ tịch UBND xã Nam Dương thì trong buổi họp do cơ sở thôn Phượng tổ chức, ông Quang và những tham gia đấu giá đã thỏa thuận rằng mỗi người trúng giá sẽ nộp khoản tiền cho ông Quang 600.000 đồng/m2 và tiền nhà nước bồi thường là 35.000 đồng/m2 thì người trúng giá sẽ hưởng. Tuy nhiên, ông Anh khẳng định ông không tham gia thỏa thuận đó vì cho rằng đó là thỏa thuận trái pháp luật.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn LS Hà Nội) thì cho rằng trách nhiệm về bồi thường, GPMB là thuộc cơ quan nhà nước chứ không phải là của người tham gia đấu giá. Quan trọng hơn, thỏa thuận đó không có tính chất bắt buộc trong quy trình GPMB đấu giá quyền sử dụng đất. Hơn nữa, ông Vũ Văn Anh không tham gia thỏa thuận thì không có lý do gì để buộc ông phải thực hiện, càng không phải là lý do để từ chối giao đất cho ông Anh.
Liên quan đến vụ việc này đã có điều lạ ở chỗ người trúng đấu giá chỉ được giao 54m2. Nhưng theo “thỏa thuận dân sự” thì họ lại phải chịu trả cho ông Quang cả tiền của diện tích 83m2 (gần 50 triệu đồng) là đất hành lang giao thông. Việc này ai cũng biết nhưng lại im lặng vì cho rằng đó là “thỏa thuận dân sự”.
Được biết, trong quá trình giải quyết, để giữ tình làng nghĩa xóm, ông Vũ Văn Anh đã chấp nhận chi trả khoản tiền này nhưng ông Quang lại không chấp nhận mà chính quyền địa phương thì “bó tay”. Ông Hạnh thì khẳng định với chúng tôi rằng không có việc chính quyền cưỡng chế buộc ông Quang phải trả đất. Vụ việc này sẽ được phán quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Xuân Thao