Vụ cưỡng chế tài sản ở TP.HCM: Cần thực thi đúng pháp luật
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:11, 13/04/2012
Từ năm 2009 đến nay, nhiều cơ quan ngôn luận và Báo Công lý đã có nhiều bài viết nêu những bất cập trong việc áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự (THADS) Tp. Hồ Chí Minh trong việc kê biên, phát mại tài sản của người không có nghĩa vụ THA.
Cụ thể, ngay sau khi Bản án số 42/KTPT ngày 6-9-2001 có hiệu lực pháp luật, cơ quan THADS Tp. Hồ Chí Minh đã quyết định đưa ra thi hành. Nhưng vụ việc bị “lãng quên” 8 năm, mãi cho đến năm 2009, cơ quan này mới ban hành quyết định kê biên tài sản để đảm bảo THA. Nhưng việc kê biên đó là sai đối tượng mà báo chí đã nêu là kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Cụ thể, đất đai và tài sản mà THADS Tp. Hồ Chí Minh tổ chức kê biên không phải thuộc quyền sử dụng và quyền sở hữu của bên phải thi hành án.
Nhà xưởng Công ty Trung Nam cho thuê.
Theo Hợp đồng mua bán ngày 31-12-2004 đã được UBND huyện Hóc Môn chứng thực thì nhà xưởng của Công ty TNHH Trung Nam đã được bán cho Công ty Thuận An với giá 450 triệu đồng. Số tiền thu được này, Công ty Trung Nam (bên phải THA) đã tự nguyện nộp đầy đủ cho cơ quan THA. Quyền sử dụng phần đất có nhà xưởng xây dựng trên đó cũng được UBND Tp. Hồ Chí Minh thu hồi của Công ty Trung Nam và cho Công ty Thuận An thuê theo Hợp đồng số 1097/HĐTNMT-QHSDĐ ngày 26-10-2006 với thời hạn thuê 20 năm. Như vậy, về pháp lý và thực tế, từ năm 2006 quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản đã thuộc về Công ty Thuận An, đơn vị không có nghĩa vụ THA. Thế nhưng 4 năm sau đó, ngày 26-3-2010, THADS Tp. HCM vẫn tiến hành kê biên nhà xưởng trên đất, sau đã tổ chức phát mại để THA.
Việc giải quyết khiếu nại về THA của THADS Tp. Hồ Chí Minh cũng không đúng với nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS. Vụ việc chưa giải quyết xong, khi có khiếu nại phải thực hiện theo Luật THADS nhưng cơ quan THADS thành phố lại áp dụng văn bản pháp luật không đúng với nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS. Tiếp đó, đã có những khiếu nại về vịêc thi hành án, thậm chí tố cáo Chấp hành viên sai phạm được các cơ quan ở Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc và có văn bản kiến nghị, chỉ đạo giải quyết vụ việc này.
Mới đây nhất, ngày 9-11-2011,Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7964/VPCP-KNTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc này. Theo chỉ đạo, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Tp. Hồ Chí Minh xem xét nội dung khiếu nại về việc kê biên đất đai, nhà xưởng nêu trên, đề xuất giải quyết theo quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2011.
Tuy nhiên khi vụ khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, chưa báo cáo Chính phủ thì ngày 1-12-2011, THADS Tp. Hồ Chí Minh lại tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế giao tài sản bằng biện pháp trục xuất người và tài sản ra khỏi khu vực đã bị kê biên, phát mại.
Thiết nghĩ, việc thi hành bản án với rất nhiều vấn đề bất cập này cần được xem xét, giải quyết đúng pháp luật vừa đảm bảo thực thi luật pháp, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, doanh nghiệp.
Huy Anh