Vay tiền của giặc để đánh giặc lại biến thành tiền nợ Chính phủ!

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012

Báo Công lý đã có bài phản ánh về vụ gia đình bà Lê Thị Nguyệt (ở số 116 đường Quang Trung, khóm 2, phường 5, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) đòi lại 6 căn nhà cho mượn, nhưng lại bị kiện ra Tòa. Vụ đòi nhà kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết...

Nhìn từ góc độ pháp lý và đạo lý, có nhiều điều chưa ổn trong cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền đối với một trong những gia đình có công lao trong kháng chiến…

Phiên tòa sơ thẩm mới đây xét xử vụ Công ty Phát triển nhà Minh Hải đòi gia đình bà Nguyệt ra khỏi kho 6

Lặng lẽ cống hiến


Một sự thật buồn trong vụ đòi 6 căn nhà cho mượn giữa Công ty Cổ phần phát triển nhà Minh Hải tỉnh Cà mau với vợ chồng bà Lê Thu Nguyệt, Quách Hồng Tỷ, cư ngụ tại số nhà 116 đường Quang Trung, khóm 2, phường 5, Tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Bà Nguyệt, ông Tỷ là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của cha mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Lang cụ ông Quách Văn Hén.


Cụ Nguyễn Thị Lang là người dân buôn bán bình thường như mọi người buôn bán khác ở vùng đất mũi Cà Mau. Trong những năm cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước cụ Lang và gia đình đã lặng lẽ tìm cách đánh giặc cho riêng mình mà không cho ai biết và cách đánh giặc của cụ Lang cũng không có trong sách giáo khoa nào, đó là cách cụ Lang vay tiền của Ngân hàng chế độ cũ với danh nghĩa là “để làm vốn buôn bán”, rồi mua thực phẩm, thuốc chữa bệnh chuyển giao cho quân giải phóng. Cũng có khi cụ Lang chuyển tiền mặt vay được cho quân giải phóng theo yêu cầu của nhiệm vụ. Cụ Lang trở thành “con nợ” của Ngân hàng chế độ cũ từ năm này qua năm khác, cứ như vậy, cụ Lang lặng lẽ chịu đựng nợ nần để tham gia đánh giặc. Đến tháng 4-1975, số tiền cụ Lang nợ của Ngân hàng chế độ cũ lên đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) một số tiền không nhỏ với người dân thường.


Sau ngày đất nước thống nhất, cụ Lang, cụ Hén lại tiếp tục đóng góp công sức vào công cuộc tái thiết đất nước bằng cách cho Ty Thương nghiệp tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) mượn 12 căn nhà (10 căn trên lộ, 2 căn tiếp giáp sông) trên tổng diện tích đất là 896,76m2 (có tài liệu xác định là 872,78m2 đất) để làm nhà kho chứa hàng hóa.


Do cụ Nguyễn Thị Lang có đóng góp nhiều công lao vào sự nghiệp đánh Mỹ cứu nước, ngày 10-1-1998 Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký giấy tặng thưởng cụ Nguyễn Thị Lang Huân chương kháng chiến hạng Ba, phần thưởng cao quý của Nhà nước.


Năm 1988 UBND tỉnh Minh Hải đã trả lại vợ chồng cụ Lang 6 căn nhà (1/2 diện tích đã mượn) bằng cách hoán đổi căn nhà số 78 đường Lý Bôn, Tp. Cà Mau. Còn lại 6 căn, nhiều lần cụ Lang yêu cầu trả, nhưng không được giải quyết.


Cuối năm 2004 do nhu cầu về nhà ở và cuộc sống cụ Lang và các con cụ Lang đã vào ở một gian nhà kho với diện tích đất là 314,32m2, có nguồn gốc là nhà đất mà cụ Lang, cụ Hén cho mượn từ sau ngày đất nước thống nhất.


Tuy nhiên, những người đương thời có thẩm quyền giải quyết gian nhà kho này lại cho rằng 6 căn nhà còn lại đó đã được đối trừ vào số tiền mà cụ Lang còn nợ Ngân hàng chế độ Sài Gòn cũ nên buộc con cháu cụ Lang phải trả gian nhà kho mà vợ chồng bà Nguyệt, ông Tỷ cùng gia đình đang ở. Nhưng người có thẩm quyền đương thời lại không có tài liệu nào chứng minh cho việc Nhà nước có quyết định thu nợ đối với 5.000.000 đồng mà cụ Nguyễn Thị Lang nợ Ngân hàng chế độ cũ.


Nhiều câu hỏi cần làm rõ


Những người quan tâm đến vụ đòi nhà này đặt ra nhiều câu hỏi là:


Cụ Nguyễn Thị Lang vay tiền của giặc để đánh giặc cứu nước, được Chủ tịch nước tặng huân chương ghi nhận công lao, mà lại biến số tiền vay của Ngân hàng chế độ cũ thành tiền nợ của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là có đúng với đạo lý uống nước nhớ nguồn hay không?


Không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh là UBND tỉnh Minh Hải cũ, UBND tỉnh Cà Mau hiện nay quyết định thu số nợ 5.000.000 đồng mà cụ Nguyễn Thị Lang nợ của Ngân hàng chế độ cũ bằng hình thức thu 6 căn nhà mà cụ Lang đã cho Ty Thương nghiệp tỉnh Minh Hải mượn từ sau ngày đất nước thống nhất 1975 mà quyết định bắt buộc các con của cụ Lang phải trả một gian nhà kho có đúng với quy định của pháp luật hiện hành không?


Tiền mà cụ Lang vay của giặc để đánh giặc mà biến thành nợ của Chính phủ, rồi thu nợ (nếu có quyết định thu nợ) của cụ Lang, như vậy có đúng với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trong Văn bản số 2016 ngày 4-1990 gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính về việc thu nợ đối với những người còn nợ Ngân hàng chính quyền cũ hay không?


Trong văn bản này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có chỉ đạo như sau: … Không chủ trương thu nợ ồ ạt đối với tất cả những người dân mắc nợ Ngân hàng dưới chính quyền cũ”.


Không biết người đương thời có thẩm quyền giải quyết vụ đòi nhà này, có biết văn bản này không? Hay là cấp trên nói, cấp dưới không nghe?


Dư luận đang chờ kết quả giải quyết đúng pháp luật đồng thời thể hiện được tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của các cơ quan có thẩm quyền ở Cà Mau.

Đỗ Văn Chỉnh

congly.com.vn