Quản lý đất đai kiểu “tuỳ hứng”

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 11:10, 13/04/2012

Khi mua đất đã được phê duyệt quy hoạch, người dân xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hoá) phải nộp tiền “tự nguyện” đóng góp lớn hơn giá trị khu đất. Gần chục năm trời họ mới được làm sổ đỏ, tuy nhiên, cách quản lý tuỳ hứng của chính quyền địa phương đã khiến không ít các hộ dân điêu đứng vì chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”!

Đất dọc đường 10 được xã Hoằng Xuyên bán từ 2005

Một thửa đất, dùng 3 loại phiếu thu

Từ những năm đầu của thế kỷ 21, phong trào bán đất ở được diễn ra phổ biến ở xứ Thanh. Lãnh đạo xã Hoằng Xuyên cũng hô hào người dân ra mua đất dọc đường 10. Xã này đã lập quy hoạch chi tiết rồi lập tờ trình tới các cơ quan cấp trên. Huyện Hoằng Hoá đã phê duyệt mặt bằng quy hoạch số 14/QH-UB ngày 28-6-2005 cho địa phương này được thực thi kế hoạch. Lãnh đạo xã Hoằng Xuyên đem bán khu đất với giá “bèo”. Tuy nhiên, hộ nào muốn mua phải “tự nguyện đóng góp” cho địa phương. Điều đặc biệt là số tiền “tự nguyện” cao hơn hẳn giá trị lô đất.

Anh Nguyễn Ngọc Thành (thôn Nga Bình) mua lô 05, diện tích 115m2 số tiền đất là 20,125 triệu đồng. Còn tiền tự nguyện đóng góp lên tới 29,875 triệu đồng. Người mua đất sẽ được cấp 2 loại phiếu thu không số, có Kế toán trưởng và Chủ tịch UBND xã ký tên, đóng dấu. Sau đó kế toán xã sẽ tiếp tục ghi thêm một phiếu thu do Chi cục thuế phát hành, trên phiếu thu này ghi đúng số tiền mà người dân đã nộp tiền đất. Điều này có nghĩa là xã sẽ chỉ phải “cưa” số tiền này với ngân sách huyện. Còn số tiền người dân “tự nguyện” đóng góp xã sẽ toàn quyền quyết định. Đến nay tổng số tiền đó là bao nhiêu, dùng vào việc gì thì chẳng ai được hay biết?

Điều kỳ lạ là khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên (thời điểm 2005 ông này làm Phó Chủ tịch) lại cam đoan không hề hay biết 2 loại phiếu thu trên. Còn ông Nguyễn Quốc Trung, cán bộ địa chính xã lại tỏ vẻ nghi ngờ: “Chưa chắc đó là phiếu thu do xã Hoằng Xuyên phát hành”.

“Quan xã” thiếu trách nhiệm

Nhiều hộ dân đã trót mua đất từ năm 2005 phải chờ đợi, chạy ngược, chạy xuôi mới được làm sổ đỏ. Tuy nhiên niềm mong ước bấy lâu vừa được thoả mãn thì khi nhìn kỹ vào sổ đỏ, diện tích, thửa đất, tên tuổi, địa chỉ... bị lẫn lộn. Đối với trường hợp anh Nguyễn Ngọc Thành thì lô đất anh mua lại được cấp sổ đỏ CH00759, ngày 20-5-2011 cho ông Nguyễn Đức Tung, sinh năm 1957, trú cùng thôn. Điều đặc biệt là trước đó, ngày 30-11-2010, anh Thành làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cả cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu xác nhận. Biết rõ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chưa đúng đối tượng, lãnh đạo xã phải làm tờ trình gửi cho UBND huyện Hoằng Hoá ra quyết định thu hồi, sau đó làm đầy đủ thủ tục cấp mới cho đúng. Đằng này, để lấp liếm cho sai sót của mình, xã lại đẩy trách nhiệm cho người dân, rồi giải quyết theo kiểu hai bên tự thoả thuận với nhau, mua bán lại trên giấy tờ để đổi lại là xong. Như thế chẳng khác nào việc bắt người dân phải chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Thiết nghĩ, UBND huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá và các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, xứ lý việc quản lý đất đai tùy hứng của các địa phương, nhất là xã Hoằng Xuyên để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong việc quản lý đất công.

Thanh Phương

congly.com.vn