Tín nhiệm thấp nên được quyền từ chức

Chính trị - Ngày đăng : 13:59, 23/10/2014

Thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội, vai trò, bản lĩnh, cũng như trách nhiệm và ý thức tự giác của ĐBQH trong việc đại diện cho cử tri, nhân dân và lợi ích của đất nước, dân tộc, được nhiều ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn.

ĐBQH  phải dám nói, dám làm, dám chịu

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), tiêu chuẩn của ĐBQH phải cao hơn tiêu chuẩn các của cán bộ, công chức khác. "Trung thành với Tổ quốc thì đúng rồi, nhưng ĐB còn phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân để mỗi khi phát biểu hoặc ấn nút thông qua một vấn đề quan trọng, như tới đây là chủ trương đầu tư sân bay Long Thành, thì phải đứng trên lập trường lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân mà quyết định", ông Đương nói.

ĐB TP.HCM cũng muốn làm rõ năng lực quan trọng nhất của ĐBQH là đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân: "Để tránh tình trạng phát biểu ý kiến của người khác, lấy bài của người khác ra đọc trước nghị trường, hoặc phát biểu xuôi chiều, không có tính phản biện, thì ĐBQH phải là người có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động. ĐB phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri về hành vi, lời nói của mình".

Tín nhiệm thấp nên được quyền từ chức

ĐB Nguyễn Bá Thuyền tham gia ý kiến về ĐB chuyên trách "Có người nói kiếm khó. Nhưng lựa chọn trong 86 triệu dân sẽ không thiếu người tài"

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Tiêu chuẩn quan trọng nhất của ĐBQH là được cử tri tín nhiệm, tin tưởng.

Đối với ĐB chuyên trách, theo ông Đỗ Văn Đương, phải có tiêu chuẩn cao hơn: Phải từng trải, tinh thông nghiệp vụ, lĩnh vực mà mình phụ trách để phát hiện được các vấn đề bất cập, bất hợp lý khi thẩm tra báo cáo, giám sát. "ĐB chuyên trách ít nhất phải là chuyên viên cao cấp, và vì chất lượng chung, thì đừng chọn người có chức vụ", ĐB TP.HCM nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì muốn số ĐB chuyên trách phải chiếm tỷ lệ 50%, chứ không chỉ 35% như trong Dự thảo luật: "Có người nói kiếm khó. Nhưng lựa chọn trong 86 triệu dân sẽ không thiếu người tài".

Thêm quyền từ chức

Dự thảo luật Tổ chức QH (sửa đổi) quy định người có từ 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ĐB cho rằng tỉ lệ này quá cao, chỉ cần 1/2 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp là đủ để bỏ phiếu tín nhiệm.

Về vấn đề này, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có 2/3 đánh giá tín nhiệm thấp thì nên quy định để người này được quyền từ chức.

"Về mặt tâm lý, để có kết quả tín nhiệm thấp như vậy có thể họ sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà kết quả sẽ không thay đổi số phận. Nếu họ có quyền từ chức, thì QH không cần phải bỏ phiếu tín nhiệm một lần nữa”, ông Tám nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng quy định từ chức của các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn, nếu số đại biểu tín nhiệm thấp có quyền xin phép từ chức.

Tín nhiệm thấp nên được quyền từ chức

Đại biểu Dương Trung Quốc 

Nhấn mạnh về mức độ từ chức, đại biểu Lê Đắc Lâm cho rằng, quy định như không tín nhiệm có thể từ chức chưa mang tính khẳng định, mà phải sửa thành phải từ chức để rõ ràng hơn.

Ngoài ra, thảo luận về các mức bỏ phiếu tín nhiệm, đa số các đại biểu đều thống nhất, chỉ nên quy định 2 mức bỏ phiếu, thay vì 3 mức như hiện hành. ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) kiến nghị, dự thảo nên quy định lấy phiếu 2 mức là tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp, đồng thời ở giai đoạn bỏ phiếu cũng nên 2 mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.

“Cả 2 giai đoạn lấy phiếu, bỏ phiếu nếu số phiếu tín nhiệm thấp trên 50%, hoặc số phiếu không tín nhiệm cao hơn 50%, phải cho người đó từ chức, hoặc xử lý theo quy định” - ông Vinh kiến nghị.

Ở một góc độ giám sát năng lực ĐBQH, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị điều chỉnh quy định về việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể. Theo ông Dương Trung Quốc, quyền năng của ĐBQH là do cử tri ủy thác qua việc bầu đại biểu đó vào QH, do vậy cần tôn trọng và có cơ chế để người dân, cử tri giám sát được những ĐBQH mà mình đã bầu ra. Vì vậy, việc giám sát ĐBQH chủ yếu thông qua theo dõi các ý kiến phát biểu và đặc biệt là việc biểu quyết của đại biểu đối với các vấn đề được đưa ra tại phiên họp toàn thể.

“Trừ một số trường hợp việc bỏ phiếu cần bảo đảm bí mật thông qua việc bỏ phiếu kín (không nhiều), việc biểu quyết của ĐBQH thường được công khai. Mỗi quốc gia có cách thức khác nhau để công khai, nhưng đây là nguyên tắc không thể thiếu” - ông Quốc nói.

Tai buổi thảo luận Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều đại biểu cũng nhất trí lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Việc lập ra chức danh này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thư ký. Tổng Thư ký Quốc hội không nhất thiết phải trong số các đại biểu Quốc hội.

 

Ngọc Mai