Mỹ tái trừng phạt Iran: 3 dự án nguyên tử dân sự của Tehran bất ngờ "thoát án"
Thế giới - Ngày đăng : 15:10, 08/11/2018
Từ ngày 5/11, gói biện pháp trừng phạt thứ hai đối với Iran đã được chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump chính thức kích hoạt. Giới phân tích nhận định, mục tiêu của đợt trừng phạt “tổng lực” này nhằm gây tổn thất nặng nề cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của quốc gia này.
Gói biện pháp trừng phạt lần này nhắm tới các lĩnh vực vận tải biển, tài chính và năng lượng, trong đó 50 ngân hàng và các công ty con, hãng hàng không quốc gia và 200 thành viên của ngành vận tải biển và tàu biển của Iran cũng như có hoạt động giao dịch với các cá nhân và thực thể pháp lý của Iran bị ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã mô tả các lệnh trừng phạt - trong gói thứ hai kể từ khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 vừa qua - là “nghiêm trọng nhất” và nhằm buộc Tehran phải ngừng hoạt động “gây mất ổn định” ở khu vực Trung Đông.
Như tin đã đưa, 8 quốc gia (gồm cả khách hàng lớn nhất của Tehran) đã được miễn trừ tạm thời các lệnh trừng phạt trên, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Italy, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể thấy rõ, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã không được lọt vào danh sách miễn trừ.
Trong khi đó, mặc dù tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran đã bị liệt vào danh sách trừng phạt, nhưng 3 dự án nguyên tử dân sự của nước này - được mô tả là các dự án không phổ biến - đã bất ngờ “thoát án”.
Lò phản ứng nước nặng ở Arak, cách Tehran 360km về phía tây nam.
Trước hết là dự án lò phản ứng nước nặng ở Arak, đã được sửa đổi dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế để không thể sản xuất ra plutonium dùng cho mục đích quân sự.
Dự án thứ hai là nhà máy điện nguyên tử duy nhất ở Bushehr, nơi Nga đã xây dựng một lò phản ứng và bắt đầu xây thêm hai lò khác. Và cuối cùng là địa điểm làm giàu uranium dưới lòng đất ở Fordow.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh quyết định này chỉ mang tính tạm thời, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Trong một diễn biến liên quan, ngay sau gói trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với Iran chính thức có hiệu lực hôm 6/11, Iran đã kêu gọi Nga và Arab Saudi cắt giảm sản lượng dầu.
Đại diện Iran tại OPEC, ông Hossein Kazempur Ardebili nhận định: Nga và Arab Saudi cần cắt giảm sản lượng dầu ít nhất 1 triệu thùng mỗi ngày, vì sự tăng trưởng sản lượng dầu ở các nước này đã đưa tới hậu quả mất cân bằng trên thị trường “vàng đen”, đẩy giá dầu giảm sâu một cách khó lường và từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất nhỏ trong tổ chức OPEC.
Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Washington rút khỏi Thỏa thuận về chương trình hạt nhân với Iran. Ông cũng cho biết Mỹ khôi phục tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, bao gồm cả những các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nghĩa là chống lại các nước có quan hệ làm ăn với Iran. Ngày 7/8, Washington đã tái áp dụng một phần các biện pháp trừng phạt đối với Iran. |