Trung Quốc “hưởng lợi” khi Mỹ bất ngờ rút khỏi UNESCO

Thế giới - Ngày đăng : 13:35, 16/10/2017

Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ đã thực sự gây sốc cho cộng đồng quốc tế. Theo giới quan sát, việc Mỹ đang tự tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế sẽ là cơ hội để Trung Quốc nhanh chóng thế chân vị trí dẫn dắt thế giới.

Ngày 12/10, Mỹ công bố quyết định sẽ rút khỏi tổ chức UNESCO. Người đứng đầu UNESCO, bà Irina Bokova đã bày tỏ sự tiếc nuối trước việc Mỹ rút khỏi tổ chức này và cho rằng việc thôi tư cách thành viên của Hoa Kỳ là một sự mất mát đối với gia đình Liên Hợp Quốc và cho sự đa phương hóa nói chung.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 72, ông Miroslav Lajcak đã đưa ra lời cảnh báo về việc quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ có thể tạo ra những tác động tiêu cực tới hoạt động của tổ chức này. Ngoài ra, Nga, Pháp và Đức cũng bày tỏ mối quan ngại trước động thái của Mỹ.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động của UNESCO chứ không đưa ra quyết định từ bỏ như Mỹ.

Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh phát biểu trong buổi họp báo hôm 13/10 rằng, mục tiêu của UNESCO là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa, hiểu biết về nền văn minh thế giới cũng như bảo vệ hòa bình quốc tế. Trung Quốc sẽ chủ động tham gia vào công việc của UNESCO và hy vọng tất cả các nước sẽ tiếp tục tham gia.

Theo Sputnik, tuyên bố của bà Hoa cho thấy, Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội Mỹ từ bỏ UNESCO để củng cố và tăng thêm vị thế ngoại giao trên trường quốc tế.

Trung Quốc “hưởng lợi” khi Mỹ bất ngờ rút khỏi UNESCO

Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội Mỹ từ bỏ UNESCO để củng cố và tăng thêm vị thế ngoại giao trên trường quốc tế

Giới quan sát cũng nhận định, dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang rút dần tên ra khỏi các hiệp ước và tổ chức quốc tế bao gồm các hiệp ước được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama. Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế đồng thời thúc đẩy sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có nhiều đại diện giữ những vị trí cấp cao trong các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới , Interpol, Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hàng không dân sự quốc tế và Liên minh Viễn thông quốc tế. Bên cạnh đó, so với các nước thành viên khác thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc hiện là nước đóng góp quân số tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đông nhất.

Giới quan sát Nga nhận định quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ là dấu hiệu của một vấn đề lớn đó là Mỹ muốn giảm tầm ảnh hưởng trên thế giới. Mỹ đang chọn con đường tự cô lập mình và quyết định dời khỏi UNESCO của Mỹ sẽ chỉ làm xấu thêm hình ảnh của mình.

Nhưng Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov lại cho rằng, không có lý do nào giải thích chính xác hơn cho quyết định dời khỏi UNESCO là việc Mỹ không chi trả cho UNESCO kể từ năm 2011. Nghiêm trọng hơn, quyết định dời khỏi UNESCO còn cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Hợp Quốc đang bị sứt mẻ.

Giáo sư Sergei Sudakov tại Viện Các mối quan hệ quốc tế Moscow cũng có chung nhận định khi cho rằng, ông Trump đã nhiều lần có những tuyên bố ám chỉ Mỹ sẽ dừng tài trợ tài chính cho Liên Hợp Quốc.

Việc Mỹ rút khỏi tổ chức này cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là một phần trong kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump cũng như định kiến của ông chủ Nhà Trắng về các tổ chức đa phương. Điều đáng nói là UNESCO là một phần trong khối các tổ chức quốc tế mà Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ thành lập từ sau Thế chiến thứ II.

Trong khi đó, Mỹ giải thích việc quyết định rút khỏi UNESCO là do xu hướng “bài” Israel. Trước đó, UNESCO đã lên án Israel trong quá khứ vì các hoạt động của nhà nước này tại khu Bờ Tây và Đông Jerusalem. Mới đầu năm nay, tổ chức này cũng chứng nhận thành phố cổ Hebron là di tích thế giới thuộc Palestine, một hành động mà Israel một mực phản đối.

Ngay sau đó, cả Israel cũng "nối gót" Mỹ chuẩn bị rút khỏi tổ chức này. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khen ngợi quyết định của Hoa Kỳ là “dũng cảm và đạo đức”.

Cho đến bây giờ chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về quyết định bất ngờ trên, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này cũng lo ngại về  khoản tài chính mà Mỹ còn nợ tổ chức UNESCO và cho rằng UNESCO cần phải cải cách.

Các báo cáo cho biết, việc Mỹ rút khỏi UNESCO là do Washington muốn dừng các khoản nợ dồn. Cho đến nay, tổng cộng Hoa Kỳ vẫn còn nợ hơn 500 triệu USD.

Lý do chính của khoản nợ này là vì trong 6 năm qua, Mỹ đã cắt giảm hơn 80 triệu USD hỗ trợ cho UNESCO vì công nhận Palestine làm thành viên, khiến ngân sách của tổ chức này giảm 22%.

Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ phải đóng góp quá nhiều cho các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, ví dụ như 22% cho quỹ thường xuyên của Liên Hợp Quốc và 28% cho tổ chức gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018, từ giờ cho đến lúc đó, Washington vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một thành viên.

Hà Kim