Nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ sẽ phải hành động theo kiểu Brexit?

Thế giới - Ngày đăng : 10:26, 11/10/2017

Theo giới phân tích, nếu Tổng thống Donald Trump quyết tâm rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ sẽ phải hành động trong đơn lẻ, tương tự như việc Anh đơn phương rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ sớm tuyên bố về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức), hay còn được biết đến với cái tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA). Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra quyết định trên bởi theo ông, thỏa thuận không nằm trong lợi ích của Washington.

Đội ngũ cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Mỹ nhất trí với lời đề nghị từ ông và sẽ rút khỏi thỏa thuận chậm nhất là ngày 15/10 tới. Ông Trump dự kiến có bài phát biểu vào ngày 12/10 để công bố một chiến lược mới nhằm đối phó với Iran.

Những động thái trên có thể sẽ dẫn tới việc Mỹ tái khởi động các biện pháp cấm vận với Iran. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét các bước sau đó. Việc Quốc hội có sẵn sàng áp đặt lại lệnh trừng phạt với Iran hay không, tới nay vẫn chưa rõ ràng.

Một số nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận sụp đổ có thể là tác nhân gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và khiến những căng thẳng sẵn có ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, nhiều khả năng các đồng minh của Mỹ sẽ không hành động như Mỹ. Điều này sẽ đẩy Mỹ vào tình thế rút khỏi thỏa thuận hạt nhân theo kiểu Anh một mình rút khỏi EU.

Nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ sẽ phải hành động theo kiểu Brexit?

Mỹ sẽ phải rút khỏi thỏa thuận hạt nhân theo kiểu Anh một mình rút khỏi EU

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Theo quy định, ông Donald Trump sẽ phải đưa kiến nghị này ra Quốc hội Mỹ, nơi có nhiều chính trị gia, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, luôn phản đối việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran.

Ngoài ra, hành động của Mỹ chắc chắn sẽ không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Âu như Anh, Pháp và Đức. Các nước này cho rằng Iran không vi phạm thỏa thuận và Mỹ không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho thấy Iran vi phạm thỏa thuận. Các nước này cũng không có kế hoạch sẽ áp đặt các lệnh cấm vận chống Iran

Nga cũng lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump nên “cân nhắc kỹ lưỡng”. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân thực sự là một trong các thành công quan trọng nhất của cộng đồng quốc tế. Việc thực hiện thành quả này thực sự đem đến nhiều đóng góp cho việc củng cố quy chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Do đó, việc tuân thủ đầy đủ thỏa thuận là hết sức quan trọng.

Trong khi đó, theo Chủ tịch ủy ban Quan hệ Quốc tế thuộc Duma Quốc gia Nga, ông Leonid Slutsky, nếu Mỹ thực sự rút khỏi thỏa thuận trên, có thể chúng ta sẽ phải chứng kiến cơn thịnh nộ bùng phát từ phía chính quyền Tehran.

Về phần mình, Chính phủ Iran khẳng định, họ không phải là quốc gia đầu tiên vi phạm thỏa thuận này. Một nhà ngoại giao cấp cao Iran nói với Reuters rằng, hành động của ông Trump có thể sẽ khiến Washington bị cô lập bởi các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục theo đuổi thỏa thuận.

Chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã thừa nhận trên kênh truyền hình CBS rằng, Iran tuân thủ các khía cạnh kỹ thuật của thỏa thuận JCPOA. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ cũng cho hay Lầu Năm Góc không hài lòng với việc Iran tăng cường các hoạt động quân sự tại Trung Đông. Điển hình là can thiệp vào tình hình Syria, Yemen hay cấp vũ khí cho lực lượng Hezbollah.

Thông qua tuyên bố của ông Tillerson có thể nhận thấy, thực chất quyết định của Mỹ chỉ nhằm ép buộc Tehran phải thay đổi chính sách ở Trung Đông, tránh “cản đường” chiến lược của  Washington cùng các đồng minh trong khu vực.

Hà Kim