Mỹ "nuốt lời", Iran thề đáp trả
Thế giới - Ngày đăng : 10:01, 17/09/2017
Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Wasington quyết định sẽ lùi thời hạn dỡ bỏ các lệnh cấm vận với Iran thêm 3 tháng nữa.
Tuyên bố trên được bà Heather Nauert đưa ra trong cuộc họp báo ngày 14/9 tại Washington. Bà Heatther Nauert tuyên bố, chính quyền đã ủng hộ việc tiếp tục duy trì quy chế cấm vận như hiện nay để đảm bảo được tính linh hoạt nhất định trong việc đưa ra các giải pháp với Iran.
Trước tuyên bố trên của Mỹ, Tehran cảnh báo rằng nước này sẽ đáp trả và có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân bất cứ lúc nào để trả đũa Mỹ nếu như Mỹ tiếp tục cấm vận Iran.
Theo Tổng thống Iran Hasan Rouhani, việc Mỹ ban hành thêm các lệnh cấm vận chống Iran vào cuối tháng 8/2017 và trì hoãn dỡ bỏ cấm vận chống Iran thêm 3 tháng nữa chính là nguyên nhân khiến Iran sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Hành động của Mỹ cũng khiến tất cả các thỏa thuận đã đạt được trước đó giữa Iran và phương Tây trở về con số 0. Iran đồng thời cũng gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “đối tác không tốt”.
Căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày một leo thang trong thời gian gần đây
Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Phòng Đại diện Bỉ Siegfried Baracke đang ở thăm Tehran ngày 16/9, Tổng thống Rouhani bày tỏ hy vọng EU sẽ tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là “Kế hoạch hành động chung toàn diện” (JCPOA) và hối thúc Mỹ thực hiện cam kết của mình đối với thỏa thuận này.
Theo nhà lãnh đạo Iran, Tehran đã cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình và điều này đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận nhiều lần. Ông Rouhani cho biết thêm, Iran quyết tâm thực hiện JCPOA và mở rộng quan hệ với các nước châu Âu, đặc biệt là Bỉ.
Trong khi đó, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Olg Morozov cho biết, Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để Iran không áp dụng biện pháp trả đũa trên đối với Mỹ. Chính trị gia này cũng cho rằng, tình hình hiện nay cho thấy Mỹ không còn đủ khả năng đóng vai sen đầm quốc tế, trọng tài quốc tế và đao phủ quốc tế cùng một lúc.
Được biết, Thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức ký kết ngày 14/7/2015 được cộng đồng quốc tế coi là thỏa thuận lịch sử. Thỏa thuận này được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề đã kéo dài trong nhiều năm qua liên quan đến việc Iran thực hiện chương trình hạt nhân của mình.
Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 16/1/2016 xem xét đến việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận Iran về kinh tế và tài chính do Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt trước đó. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng giữa lúc căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày một leo thang trong thời gian gần đây.